Đầu tháng 6, vợ chồng chị Đoài - anh Hùng, ở Hải Phòng, quay lại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội để tiếp tục chuyển phôi, sinh con lần hai. Con trai đầu lòng của họ chào đời cách đây 5 năm nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Kết hôn năm 2011, chị Đoài bị ứ dịch một bên vòi trứng, sau phẫu thuật thông vòi thì mang thai nhưng không may thai sinh hóa. Chị thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện nhưng không thành công. 6 năm sau vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
BS.CKI Phan Ngọc Quý chẩn đoán chị Đoài có polyp buồng tử cung - tổn thương lành tính nhưng có thể cản trở quá trình làm tổ của phôi, tăng nguy cơ sảy thai hoặc thất bại chuyển phôi. Ngoài ra, vòi tử cung trái của chị Đoài bị ứ dịch có thể chảy ngược vào buồng tử cung gây viêm nhiễm, thay đổi môi trường nội mạc và ảnh hưởng khả năng đậu thai.

Bác sĩ Quý tư vấn điều trị hiếm muộn cho một cặp vợ chồng. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ chỉ định cắt bỏ hoàn toàn vòi tử cung bên tổn thương, tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công. Sau phẫu thuật, chị Đoài được dùng thuốc kích trứng, gom noãn để IVF, thu được 8 phôi ngày 3 và 4 phôi ngày 5. Lần đầu, chị được chuyển 3 phôi ngày 3 nhưng không thành công. Các bác sĩ kê thuốc hỗ trợ chuẩn bị nội mạc tử cung và khuyên người bệnh nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe trước kỳ chuyển phôi tiếp theo.
Tháng 5/2019, chị Đoài tiếp tục được chuyển hai phôi ngày 5 vào buồng tử cung, đậu song thai nhưng một thai không giữ được, thai còn lại phát triển khỏe mạnh. Con trai đầu lòng của họ chào đời vào năm 2020. Vợ chồng chị còn 7 phôi, chuẩn bị được rã đông để sinh thêm con.

Bé Phong, 5 tuổi, là con trai của vợ chồng chị Đoài. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Quý, tắc nghẽn hoặc ứ dịch vòi tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiếm muộn, nhưng lại khó phát hiện do thường không gây triệu chứng rõ rệt. Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn với các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa thông thường. Tình trạng này chỉ được phát hiện chính xác thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp tử cung vòi trứng cản quang hoặc nội soi buồng tử cung. Nếu cả hai ống đều tắc hoàn toàn, người bệnh cần điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con.
Bác sĩ Quý khuyến cáo phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc vợ chồng khó thụ thai, nên khám sớm để can thiệp kịp thời, tránh bỏ lỡ giai đoạn điều trị tối ưu.
Hằng Trần
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh, hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |