Mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng để nghỉ ngơi, vui chơi và vận động ngoài trời. Song nhiều người cũng dễ mắc bệnh đường hô hấp trong thời điểm này. ThS.BS Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích một số nguyên nhân thường gặp gây bệnh.
Thay đổi nhiệt độ đột ngột
Khi đi ngoài trời nắng nóng về, tắm ngay hoặc bật điều hòa ở mức nhiệt quá thấp tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa cơ thể và môi trường xung quanh. Điều này có thể gây sốc nhiệt, làm giảm khả năng đề kháng của hệ hô hấp, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây ra các bệnh như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản.
Ô nhiễm không khí và khói bụi
Nhiệt độ cao, khói xe và bụi bẩn từ phương tiện giao thông tạo môi trường thuận lợi cho tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể. Những chất ô nhiễm này kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây co thắt phế quản, làm tắc nghẽn đường thở, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm phổi, viêm mũi dị ứng hay hen suyễn.

Sử dụng điều hòa sai cách dễ gây bệnh hô hấp. Ảnh được tạo bởi AI
Sinh hoạt không lành mạnh
Uống rượu bia để giải nhiệt trong mùa hè có thể làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Sau khi uống rượu bia, cơ thể thường có cảm giác nóng. Lúc này sử dụng quạt mạnh, điều hòa làm mát hoặc tắm lạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, nhất là viêm phế quản, viêm phổi. Sử dụng đồ uống có cồn cũng khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Tiếp xúc đông người khi du lịch
Mùa hè là dịp nhiều gia đình đi du lịch. Tiếp xúc đông người tại khu du lịch, phương tiện giao thông công cộng cũng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản hay viêm phổi. Bác sĩ Ngân khuyến cáo những người đi du lịch nên tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Cơ chế mất nước
Vào mùa hè, nhiệt độ cao khiến cơ thể dễ bị mất nước qua mồ hôi. Khi đó, đờm trong phổi khô, đặc lại, gây khó khạc đờm, nhất là người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp. Mất nước cũng làm giảm khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, khiến cơ thể dễ bị tấn công hơn.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |