Viễn thị là một loại tật khúc xạ, xảy ra khi ảnh của vật ở xa hội tụ phía sau võng mạc. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết tình trạng khúc xạ này có thể do bẩm sinh hoặc xuất hiện trong quá trình phát triển của cơ thể. Viễn thị thường tồn tại âm thầm trong nhiều năm mà người mắc không nhận ra. Ở trẻ em hoặc người trẻ, mắt có khả năng điều tiết mạnh nên viễn thị mức độ nhẹ có thể không được phát hiện sớm. Nhưng sau tuổi 30-40, khả năng điều tiết giảm dần, viễn thị bắt đầu gây mỏi mắt, mờ khi nhìn gần. Trong khi đó, lão thị là hiện tượng lão hóa tự nhiên của mắt, thường xuất hiện sau tuổi 40. Thủy tinh thể mất dần độ đàn hồi gây giảm khả năng tự điều chỉnh tiêu cự để nhìn gần.
Viễn thị và lão thị đều khiến mắt khó nhìn rõ ở khoảng cách gần nên nhiều người thường nhầm lẫn hai tật khúc xạ này. Tuy nhiên, nếu mức độ viễn thị nặng, người bệnh có thể bị mờ mắt, không nhìn rõ kể cả khoảng cách xa. Còn người lão thị nhìn xa không bị ảnh hưởng. Người viễn thị đến tuổi ngoài 40 cũng bị lão thị làm cho việc nhìn ở khoảng cách gần càng trở nên khó khăn.
Do mắt bị viễn thị phải điều tiết nhiều nên dễ mỏi, nhức đầu, làm giảm tập trung khi đọc sách. Điều này có thể ảnh hưởng học tập ở trẻ em, hiệu suất làm việc ở người trẻ. Khi lão thị xảy ra, người cao tuổi thường có xu hướng đưa sách hoặc đồ vật ra xa để nhìn được rõ ràng hơn, khó đọc chữ nhỏ.

Bác sĩ kiểm tra mắt cho người cao tuổi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Phó giáo sư Thu Hiền cho biết trẻ bị viễn thị mức độ trung bình và nặng mà không được phát hiện và đeo kính kịp thời thì có thể gây lác trong và nhìn mờ (một mắt hoặc cả hai mắt). Khi đó, não sẽ bỏ qua tín hiệu từ mắt mờ và chỉ ưu tiên mắt có thị lực tốt hơn, dẫn đến nhược thị. Viễn thị không được điều chỉnh cũng khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, có thể gây tật lác mắt (lé). Lão thị thường xuất hiện sau tuổi 40, có thể kèm theo một số bệnh mắt phổ biến ở người cao tuổi như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, vẩn đục dịch kính...
Viễn thị và lão thị đều không thể phòng ngừa vì đây là quá trình sinh lý. Nhưng có thể điều chỉnh thị lực thông qua sử dụng kính. Trong đó, người viễn thị cần đeo kính cầu lồi thường xuyên giúp hình ảnh được hội tụ đúng trên võng mạc, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ nếu đủ điều kiện. Nếu người viễn thị ngoài 40 tuổi bị thêm lão thị thì cần đeo kính cả nhìn xa chỉnh viễn thị và kính nhìn gần chỉnh viễn thị và lão thị tương ứng với tuổi.
Một số người lão thị có thể cân nhắc phẫu thuật thay thủy tinh thể nhằm cải thiện thị lực. Người có tật viễn thị cũng có thể phẫu thuật khúc xạ khi đáp ứng đủ điều kiện mổ.
Khuê Lâm