Mùa hè, mùa cao điểm của những công việc làm thêm. Tôi bất chợt có vài dòng.
Những điều tôi sắp nói sau đây chắc hẳn nhiều bạn sẽ thấy bản thân mình trong đó nhưng ngược lại, không ít bạn có thể sẽ thấy rất ngô nghê.
Tôi, người trẻ 20 tuổi, sống ở Hà Nội, được nuôi dưỡng trong vòng tay bố mẹ. Như bao bạn đồng trang lứa khác, tôi đang ở độ tuổi có nhiều suy nghĩ mang phong thái "tập làm người lớn".
Trước đó, không ít lần tôi từng tâm sự với mẹ: "Mẹ ơi, con chỉ biết học thôi, chả biết làm gì khác". Mẹ tôi chỉ biết cười bởi câu nói đầy sự ngô nghê ấy. Nhưng đó là sự thật, 12 năm học phổ thông rồi thêm bốn năm đại học, tôi thú thực là mình chỉ biết học và tôi làm điều ấy rất tốt.
Chân ướt chân ráo vào đại học, các bạn đua nhau đi làm thêm, không thiếu gì các công việc bán thời gian, bán sức lao động cho sinh viên: cà phê, trà sữa, phục vụ, shipper...
Với tư duy thiển cận lúc ấy, tôi thấy những công việc này thật sự vô bổ, vô nghĩa, thời gian đâu mà học nữa. Thấy bọn bạn trong nhóm vội vàng lấy xe đi làm cho kịp giờ, ngủ gà ngủ gật trên giảng đường, tôi thấy lạ. Lạ là bởi "tại sao phải vì đồng tiền đến mức ấy?". Khi chia sẻ qua những lần "deeptalk", chúng nó chỉ bảo tôi: "Mày sống sướng quá rồi đấy".
Va chạm nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, tôi càng tìm ra những khía cạnh con người mà trước đây tôi chưa từng được tiếp xúc. Đi làm bán thời gian, từng đồng lương ít ỏi được tính bằng hàng giờ đồng hồ các bạn tôi lao động.
Ấy thế mà các bạn sống tiết kiệm lắm, nhịn ăn nhịn uống, bỏ được bữa nào hay bữa ấy. Còn tôi - người vẫn ăn cơm nhà ba bữa, vẫn thấy cuộc sống khó quá... Các bạn không lạ, tôi mới là người lạ, thiếu suy nghĩ và hệt như một đứa trẻ thiếu trải nghiệm.
Bị cuốn theo dòng, tôi nảy sinh ý định đi làm thêm. Hơn một ngày trời mờ mắt trước những thông tin tuyển dụng trên mạng, tôi tìm được một lò bánh ở Cầu Giấy tuyển nhân viên part-time theo ca, lương ổn hơn mấy quán cafe. Như vớ được "món hời" tôi xin vào làm tại đây. Tôi ở Hà Đông nhưng vẫn hừng hực khí thế đi làm mặc lời khuyên của bố mẹ.
5 giờ sáng tôi có mặt để nhận việc. Những tưởng công việc chỉ như lời tuyển dụng là "nhân viên bán hàng", nhưng thực tế có hàng ti tỉ việc vụn vặt khác, đếm không xuể, vất vả lắm. Đủ thứ việc không tên: gói hàng, lau bàn, đếm bánh, ghi sổ, bê đồ, dọn rác... Hơi nóng từ bếp phả vào mặt, mùi bơ sữa nồng lên trong không khí, tiếng người ra vào không ngớt.
Việc gì cũng phải nhanh như cắt, mà tôi thì cứ loạng choạng, vụng về, chân tay luống cuống trông ngứa cả mắt. Làm xong cái này phải lập tức làm cái khác, lau chùi luôn tay, không được chậm trễ.
Mọi người ở chỗ làm thạo việc lắm. Có bạn mới học cấp 3 mà cứ nhoay nhoáy, xử lý mọi thứ đâu ra đấy, trông già dặn. Còn tôi hệt như một con cừu non với bộ lông bóng bẩy ngơ ngác.
Thế mới nói, ở nhà bố mẹ nhờ mỏi cả mồm không làm, đi làm ngoài xã hội thì việc gì cũng xông xáo, không một lời than. Tôi nhìn đồng hồ suốt, thời gian trôi chậm kinh khủng. Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: "Ăn một đồng tiền ở ngoài xã hội cũng phải 'mửa mật' ra chứ làm gì có ai cho không ai cái gì bao giờ".
Trong lúc làm, đầu óc trống rỗng, tôi hiểu ra nhiều điều. Hóa ra, các bạn tôi đi làm đâu phải vì các bạn muốn hay thích công việc ấy, đâu phải vì trải nghiệm. Họ đi làm vì đồng tiền trang trải, để tự lo cho bản thân, để đỡ đần bố mẹ, để không trở thành gánh nặng của gia đình.
Những công việc này suy cho cùng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự trưởng thành. Tôi nhìn thấy sự rắn rỏi trong ánh mắt các bạn, sự linh hoạt trong cách ứng xử. Ai cũng giỏi hơn tôi ở một phương diện nào đó. Và tôi bắt đầu ngưỡng mộ.
Cuộc sống, đúng là không màu hồng và đơn điệu như cái vòng lặp tôi thường sống. Nó có nhiều biến số, và chỉ khi bước chân ra ngoài, tôi mới thấy bản thân mình bé nhỏ. Đi để thấy mình may mắn. Đi để học cách trân trọng. Đi để thật sự hiểu giá trị của những điều tưởng chừng là đương nhiên.
Tôi nhận ra việc học trở nên đáng giá hơn bao giờ hết. Và không có lựa chọn nào là sai lầm, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải đánh đổi. Vì thế, hãy biết quản lý thời gian, tôn trọng sức khỏe và luôn hiểu điều gì là ưu tiên hàng đầu của bản thân.
Tôi chỉ mong mỗi bạn trẻ chúng ta tìm thấy được niềm vui nhỏ mỗi ngày, để đi qua những năm tháng không phí hoài vì sự đơn điệu.
Và thật tuyệt khi tôi gạt bỏ hoàn toàn cái nhìn "ếch ngồi đáy giếng", khi chính bản thân được va vấp. Tôi bắt đầu cảm nhận được từng "vết loang" của tuổi trẻ. Những vết loang ấy là những mảng màu sắc đẹp diệu kỳ mang hơi thở của thanh xuân, của cuộc sống thực.
Thùy An