Thứ bảy, 5/7/2025
Thứ sáu, 4/7/2025, 16:37 (GMT+7)

Trưng bày kỷ vật của 'vua hề Sác-lô'

Nhiều kỷ vật về "vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin đến từ các quốc gia được trưng bày tại Hà Nội, nơi ông hưởng tuần trăng mật cùng vợ năm 1936.

Sự kiện Charlie Chaplin: Ký ức một huyền thoại diễn ra từ ngày 24/6 đến 22/7 tại sảnh một khách sạn ở Hà Nội. Không gian trưng bày bao gồm những bức ảnh cắt từ các bộ phim tiêu biểu của "vua hề" và khoảng 20 hiện vật gốc như tranh chân dung, bìa tạp chí, album, bưu thiếp, sách, bìa bản nhạc nằm trong bộ sưu tập cá nhân của Paddy MacDonald, một nhà sưu tầm người Australia.

Tờ TIME số ngày 6/7/1925, ấn phẩm đầu tiên đưa hình ảnh diễn viên có sức ảnh hưởng lên trang bìa một tạp chí lớn ở Mỹ.

Nhà sưu tầm Paddy MacDonald (trái) trong lễ khai mạc. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.

Vào những năm 1960, khi Paddy MacDonald khoảng 10 tuổi, ông cùng bố mẹ đến rạp, xem phim của Charlie Chaplin. Vì ấn tượng với danh hài, MacDonald đã mua món đồ lưu niệm đầu tiên về ông - tấm bưu thiếp có hình ảnh "Gã lang thang" (The Tramp) - người đàn ông với ria mép, chiếc mũ phớt và bộ quần áo rộng, cũ kỹ. Nhân vật này xuất hiện trong hàng chục bộ phim câm, vướng vào những tình huống đời thường vừa lãng mạn, vừa éo le, hài hước. Đó cũng chính là vai diễn kinh điển, làm nên tên tuổi của "vua hề Sác-lô".

Kể từ năm 1980, MacDonald bắt đầu sưu tầm các vật phẩm liên quan đến Chaplin và có những triển lãm trưng bày tại nhiều nơi như Cuba, Australia (bảo tàng thư viện Albury). Theo ABC News, đến nay, ông là một trong những người sở hữu bộ sưu tập lớn nhất thế giới về nghệ sĩ với hàng nghìn món đồ lưu niệm từ khắp thế giới.

Lần này, lựa chọn trưng bày kỷ vật về Charlie Chaplin tại Hà Nội là cách nhà sưu tầm đưa hình ảnh danh hài "trở lại" nơi ông và vợ, diễn viên Paulette Goddard đã đến trong kỳ trăng mật. Phát biểu tại lễ khai mạc, MacDonald nhấn mạnh di sản của Charlie Chaplin là một minh chứng cho sức mạnh kết nối của văn hóa, vượt lên giới hạn về không gian, thời gian. Ông đồng thời trích dẫn lời Chaplin: "Văn hóa có sức lan tỏa và tác động sâu sắc hơn cả những quy chuẩn hay lý thuyết trên giấy - văn hóa tạo nên những người hùng và giúp ta tích lũy sức mạnh nội tại".

Bìa bản nhạc Smile trong phim Modern Times (Thời đại tân kỳ, 1936) do Chaplin soạn nhạc, John Turner và Geoffrey Parsons viết lời vào năm 1954.

Album đĩa than The Chaplin (Vương quốc Anh), Viva! Chaplin (Nhật Bản).

Hộp nhạc bật hình Charlie Chaplin, phiên bản Mỹ.

Chân dung Charlie Chaplin của họa sĩ Ireland Brendan Higgins.

Trưng bày ảnh cắt từ các bộ phim Charlie Chaplin tham gia.

Hình ảnh trong phim City Lights (Ánh sáng nơi phồn hoa, 1931). Bộ phim câm thuộc thể loại hài lãng mạn do Charlie Chaplin viết kịch bản, đạo diễn, chịu trách nhiệm sản xuất và đóng vai chính. Cùng Modern Times, City Lights từng bị ban tổ chức Oscar loại khỏi vòng đề cử, nhiều năm sau đó mới được giới phê bình đánh giá là kiệt tác.

Một phân cảnh trong phim "Modern Times" (Thời đại tân kỳ, 1936)
 
 

Một phân cảnh trong phim Modern Times. Video: YouTube Charlie Chaplin.

Charles Spencer Chaplin (1889-1977) là diễn viên hài, đạo diễn kiêm biên kịch, nhà soạn nhạc người Anh. Tại Việt Nam, Charlie Chaplin còn được biết đến với tên gọi "vua hề Sác-lô". Ông được xem là một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử điện ảnh thế kỷ 20, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng.

Charlie Chaplin đã tham gia 80 bộ phim trong sự nghiệp, bao gồm cả phim câm và phim có tiếng. Một số tác phẩm nổi bật của ông bao gồm: The Kid (Đứa trẻ, 1921), The Gold Rush (Cơn sốt vàng, 1925), City Lights (Ánh sáng nơi phồn hoa, 1931), Modern Times (Thời đại tân kỳ, 1936), The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại, 1940).

Khánh Linh