Tôi đã từng nghĩ đi máy bay với trẻ con chỉ đơn giản là chuẩn bị thêm một ít bánh kẹo, vài món đồ chơi nhỏ, và quan trọng nhất là chiếc máy tính bảng đầy pin là sẽ ổn.
Nhưng tôi đã nhầm. Rất nhầm. Với tôi, nỗi ám ảnh thật sự bắt đầu từ khi con trai tôi (năm nay tròn 5 tuổi) hét lên hoảng loạn khi máy bay cất cánh. Từ đó, mỗi lần lên lịch đi đâu xa, thay vì háo hức, tôi chỉ thấy tim mình trĩu nặng.
Tôi bắt đầu lo không biết lần này con sẽ phản ứng ra sao, và tôi sẽ làm cách nào để giúp con vượt qua nỗi sợ mà chính tôi cũng không hiểu nổi nguyên nhân sâu xa của nó.
Mỗi lần gia đình đi du lịch, lúc lên máy bay, con lại tỏ ra hoảng hốt, lo lắng, thậm chí có lúc bật khóc và van nài: "Con không muốn đi máy bay đâu mẹ ơi".
Nỗi sợ đi máy bay ở trẻ nhỏ là có thật, và chúng ta cần nhiều hơn sự thấu hiểu, đồng hành thay vì chỉ cố gắng ép trẻ "phải quen".
Lần đầu tiên con tôi đi máy bay là khi bé vừa tròn hai tuổi. Đó là chuyến bay từ Hà Nội vào Quy Nhơn, chỉ khoảng gần hai đồng hồ. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, mang theo gấu bông, kẹo dẻo, một cuốn sách tranh, thậm chí còn kể trước cho con về máy bay, cho con xem hình ảnh và video để làm quen.
Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu đổi khác khi máy bay bắt đầu di chuyển trên đường băng. Tiếng động cơ gầm rú, khoảnh khắc máy bay rung lắc mạnh khi cất cánh đã khiến con tôi hoảng loạn.
Con hét toáng lên, nước mắt giàn giụa, ôm chặt lấy tôi. Tôi bối rối, hoảng hốt, không biết làm gì ngoài việc ôm con thật chặt, thì thầm dỗ dành. Ánh mắt của những hành khách xung quanh lúc ấy như những nhát dao cắt vào lòng tôi, có người cảm thông, nhưng cũng không ít cái lắc đầu ái ngại, thậm chí khó chịu.
Từ sau lần đó, mỗi khi nghe đến từ "máy bay", con lại nép sát vào tôi và lắc đầu liên tục. Thậm chí khi xem hoạt hình có cảnh máy bay cất cánh, con cũng thể hiện sự lo lắng rõ rệt.
Tôi nhận ra rằng nỗi sợ này không đơn thuần là do âm thanh hay rung lắc. Nó là một nỗi ám ảnh thật sự trong tâm hồn non nớt của con. Tôi đã thử nhiều cách để giúp con. Tôi mua sách về máy bay, cho con tiếp xúc với mô hình, dẫn con ra sân bay xem máy bay từ xa.
Tôi cố gắng giải thích, kể cả nhờ cô giáo ở lớp mầm non nói chuyện nhẹ nhàng với con về việc đi máy bay là điều bình thường, là thú vị. Nhưng dường như tất cả đều chỉ là bề nổi. Con tôi vẫn gắn liền máy bay với nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó - mà chính con cũng không gọi tên được.
Lần thứ hai buộc phải bay, chuyến đi vào Sài Gòn thăm các bác là một thử thách thực sự. Từ lúc biết sắp bay, con đã mất ngủ, quấy khóc mỗi đêm. Ngày lên máy bay, tôi mang theo đủ thứ đồ chơi, cả headphone để hạn chế tiếng ồn, nhưng con vẫn khóc thét khi máy bay bắt đầu lăn bánh.
Tôi nhận ra rằng nhiều người lớn, kể cả chính tôi ban đầu, thường đánh giá thấp những nỗi sợ của trẻ con. Chúng ta dễ nói: "Có gì đâu mà sợ?", "Chỉ là máy bay thôi mà!", hoặc tệ hơn, la rầy con vì "làm phiền người khác".
Nhưng nếu đặt mình vào thế giới nhỏ bé ấy, nơi mọi thứ đều mới lạ, to lớn và khó hiểu, chúng ta mới thấy nỗi sợ đó hoàn toàn có lý. Tôi bắt đầu thay đổi cách tiếp cận.
Tôi không còn cố gắng bắt con không sợ nữa, mà thay vào đó, tôi học cách thừa nhận nỗi sợ ấy là có thật. Tôi ôm con và nói: "Mẹ biết con sợ, và mẹ sẽ ở đây cùng con. Không sao cả nếu con cảm thấy sợ".
Tôi cho con quyền được cảm thấy như vậy. Và tôi kiên nhẫn chờ đợi con sẵn sàng. Gần đây, con bắt đầu cởi mở hơn. Tôi tin rằng, bằng sự kiên nhẫn, yêu thương và đồng hành đúng cách, con tôi sẽ một ngày nào đó đủ dũng cảm để bay không chỉ trên bầu trời, mà còn bay lên khỏi nỗi sợ hãi trong lòng mình.
Nỗi sợ của trẻ nhỏ không phải là điều đáng xấu hổ hay phiền phức. Đó là một phần rất thật trong hành trình trưởng thành của con. Hãy là người bạn đồng hành kiên nhẫn, đừng ép buộc hay phủ nhận cảm xúc của trẻ.
Linh