Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Dạ bác sĩ cho em hỏi, em đang cho con bú, bé gần 9 tháng tuổi trẻ. Em được tiêm vacxin verocell thì có ảnh hưởng gì đến việc nuôi con bằng sữa mẹ không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm được vaccine ngừa Covid-19 (trừ vaccine Sputnik V - theo khuyến cáo của Bộ Y tế). Tất cả vaccine được phê duyệt hiện nay không sử dụng virus còn sống, do đó, không có nguy cơ lây nhiễm virus sang trẻ qua sữa mẹ. Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vaccine, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ và có thể giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19. Do đó, bạn có thể cho con bú và vẫn tiếp tục tiêm vaccine Verocell. Thân mến!
Nhờ bác sĩ tư vấn giúp trường hợp bé nhà em ạ. Bé được 2 tháng tuổi. Trước bé đi vệ sinh rất đều hai lần một ngày nhưng khoảng chục ngày nay bé đi nhiều lên từ 4-7 lần/ngày, có lúc còn són phân dính bỉm nữa ạ. Em kiểm tra phân bé thì thấy có nhiều hạt trắng lợn cợn, lần nào cũng có dù đi ít hay nhiều và có nhầy nhưng ít. Phân bé vẫn vàng tươi. Trộm vía bé không quấy khóc gì, cân nặng vẫn duy trì tốt và bú mẹ, ngủ ngoan.
Em mới bổ sung men vi sinh cho bé 4 ngày nay nhưng chưa thấy có cải thiện gì. Em đã làm xét nghiệm soi phân cho bé thì thấy có chỉ số vi khuẩn gram âm giảm, gram dương tăng, nhưng không rõ như vậy là bé bị sao. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp để em biết cách xử lý cho bé nhanh khỏi. Mẹ con em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!
Chào em,
Theo thông tin em chia sẻ, bé nhà em mới 2 tháng tuổi mà bị đi ngoài nhiều lần, phân lại có nhầy. Các bé bị như thế này cần làm xét nghiệm soi phân và cấy phân để loại trừ nhiễm trùng đường ruột và xem chế độ ăn của bé có thay đổi gì không? Nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì mẹ có bị tiêu chảy không? Nếu uống sữa công thức thì mẹ có thay sữa công thức không? Vệ sinh bình sữa thế nào...
Bên cạnh đó, bé có bị nhiễm trùng các nơi khác như nhiễm trùng đường tiểu, viêm tai giữa, viêm phổi... không? Vì tất cả các nhiễm trùng ở các cơ quan sâu đều có nguy cơ gây tiêu chảy. Một số bé do mẹ cho uống nhiều men tiêu hóa vi khuẩn gram dương sẽ nhiều bất thường gây loạn khuẩn ruột cũng gây tiêu chảy. Do đó, em nên đưa bé đi khám trực tiếp để bác sĩ có thể kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bé nhé. Chúc bé mau khỏe!
Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Nhi Hệ thống BVĐK Tâm Anh, em có thể liên hệ Hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, tôi năm nay 34 tuổi, đang mang bầu ở tuần 34. Khoảng tháng thứ 6, tôi hay bị khó thở, đặc biệt là khi buổi tối gần đi ngủ. Gần đây, tôi khó thở nhiều hơn, tối phải ngồi dậy hoặc tựa lưng vào gối để dễ thở và thường không nằm để ngủ được cho đến tận 1h, 2h, 3h sáng và chỉ khi nào mệt thì tôi ngủ thiếp đi. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi bị làm sao? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng khó thở. Đó có thể là những nguyên nhân khách quan do sự thay đổi bên trong cơ thể của mẹ khi mang bầu và cũng có thể là do bạn mắc một vài bệnh lý nào đó gây nên. Khi mang thai, hormone của mẹ thay đổi, đặc biệt là progesterone. Hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và có khả năng kích thích trung tâm hô hấp ở não của mẹ bầu dẫn đến tình trạng bạn cảm thấy khó thở và thở gấp hơn bình thường.
Bên cạnh đó, khi mang bầu, tử cung của bạn lớn dần để thích ứng với sự lớn lên mỗi ngày của thai nhi. Khi tử cung to hơn sẽ chèn ép cơ hoành khiến bạn cảm thấy khó thở. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng, mẹ bầu dễ bị thiếu máu khi mang thai, thiếu máu nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến khó thở. Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng khó thở: hen suyễn, phù nề, bệnh về tim, phổi, thiếu máu. Do vậy, bạn cần đi khám để loại trừ các bệnh lý và có hướng điều trị cũng như tư vấn của bác sĩ phù hợp với tình trạng của bạn. Chúc bạn sức khỏe!
Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Sản Hệ thống BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
Tháng 6/2021, tôi bị trào ngược dạ dày, đau nhói vùng thượng vị, đi tiêu thay đổi đầu rắn đuôi lỏng, ngày một lần, đôi khi 2-3 lần. Tôi nội soi ở một bệnh viện vào tháng 10/2021 thì bình thường, bị trĩ nhẹ (đã làm longo 2 năm trước). Nội soi dạ dày clo test âm tính, phù nề hang vị nhẹ, dùng một tháng nexium, một tháng esomeprazole. Hiện cơn đau thay đổi, đau mỏi luân chuyển ra nơi khác có xương sườn hai bên và ngực. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Xin cảm ơn.
Chào chị,
Theo lời kể của chị, chúng tôi vẫn chưa có đủ các thông tin thuốc và triệu chứng bệnh. Có vẻ như chưa đủ các thuốc cần thiết, chứng đau bụng cũng không điển hình như đau mỏi mà giống như đau cơ. Chúng tôi khuyên chị cần đi khám lại để bác sĩ khai thác thêm các triệu chứng kèm theo khác và có thể kiểm tra thêm một số chức năng của cơ quan khác ngoài đường ruột. Vậy chị sớm sắp xếp đi khám lại nhé!
Trân trọng!
Chào bác sĩ, bé nhà em gần 5 tuổi, bị nhức mỏi tay chân về đêm. Có đi khám, xét nghiệm máu ở y tế phường thì bác sĩ bảo bé bị thiếu canxi và có cho uống canxi, nhưng được một thời gian bé lại bị lại. Bé nhà em cao 110 cm. Bác sĩ cho em hỏi, em phải làm gì và đến bệnh viện nào để thăm khám. Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Bé nhà bạn 5 tuổi, cao 110 cm là trong ngưỡng chiều cao bình thường theo tuổi. Tình trạng nhức mỏi tay chân về đêm có nhiều nguyên nhân như đau do tăng trưởng, do vận động, bệnh lý ác tính, nhược cơ hoặc viêm khớp... Do đó, bạn nên đưa bé đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa Nhi để bé được thăm khám toàn diện và thực hiện các xét nghiệm để tìm nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Mến chúc bé sớm cải thiện tình trạng sức khoẻ!
Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Sau khi tiêm vaccine Astrazeneca thì bao lâu có thể thả bầu được thư bác sĩ?
Chào bạn,
Hiện chưa có bằng chứng nào về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ ở người có hoặc không có kháng thể ngừa Covid-19.
Do đó, sau khi tiêm chủng vaccine Covid-19, bạn vẫn có thể thả bầu được. Tuy nhiên, sau tiêm thường sẽ có thời gian theo dõi phản ứng sau tiêm trong vòng 28 ngày, nên tốt nhất sau tiêm một tháng thì bạn có thể thả bầu nhé. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em đã tiêm 2 mũi vaccine Vero Cell đợt tháng 8 và tháng 10. Em bị Covid cuối tháng 11, đã khỏi được 3 tuần. Bao lâu thì em có thể tiêm được mũi 3? Em cảm ơn.
Chào bạn,
Hiện bạn đã khỏi bệnh Covid-19 thì theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, bạn vẫn tiêm tiếp mũi 3 sau mũi 2 tối thiểu là 3 tháng nhé, cụ thể là tháng 1/2022.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em bị K buồng trứng, di căn hạch ổ bụng, đã hóa trị (vẫn còn hạch nhưng kích thước nhỏ hơn) và giảm tiểu cầu vô căn (TC chỉ từ 10.000-15.000). Bình thường không xuất huyết nhưng va chạm thì bị bầm, gãi mạnh thì nổi nốt đỏ. Vậy em có nên tiêm vaccine Covid-19 không?
Thân gởi bạn Thu Hương,
Về trường hợp của bạn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Huyết học (về tình trạng giảm tiều cầu vô văn), phối hợp với ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Ung bướu (đang điều trị, theo dõi bệnh lý K buồng trứng) về việc có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không và nếu nên tiêm thì tiêm vào thời điểm nào, cũng như cần theo dõi và xử trí gì trước, trong, sau khi tiêm hay không bạn nhé. Chúc bạn sức khỏe!
Nếu có thêm thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ tổng đài Hệ thống BVĐK Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Hôm 22/12, tôi được tiêm vaccine Pfizer mũi 2, qua ngày hôm sau vết tiêm gần như không đau nhưng nách tay tiêm lại nổi hạch và đau. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy có bình thường không? Xin bác sĩ cho lời khuyên, cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Sau khi tiêm chủng vaccine Covid-19, người tiêm sẽ xuất hiện số phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, đau mỏi cơ thể, đau tại chỗ tiêm và có xuất hiện hạch nách bên phía tay tiêm chủng, hạch này cũng là phản ứng của cơ thể đối với vaccine. Vì vậy, bạn không cần lo lắng nhé, tình trạng sẽ biến mất sau 1-2 tuần.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu vẫn còn thắc mắc, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc để được tư vấn. Trân trọng!
Chào bác sĩ, bố con năm nay 64 tuổi, mới mổ u ác thực quản được hơn một tháng nay. Bố con đang thực hiện hóa trị lần 4 và chuẩn bị làm lần 5. Cho con hỏi, nếu xin tạm ngưng hóa trị thì có ảnh hưởng gì về sau này không?
Kết quả sau khi mổ, bác sĩ nói tốt, khối u đã được cắt bỏ cả gốc rễ, nhưng làm hóa trị để ngăn chặn mầm mống phát sinh sau này. Nhưng mỗi lần hóa trị, thuốc vào người làm cơ thể rất mệt mỏi, xuống sức. Bố con không ăn được, không ngủ được và thi thoảng bị tức ngực. Xin ý kiến từ bác sĩ. Con cảm ơn.
Chào bạn,
Việc điều trị hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật, nếu có thể, nên được điều trị liên tục, đủ liều và đúng liệu trình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Thuốc hóa trị có các tác dụng phụ làm cho bệnh nhân mệt, ăn uống kém, ngủ kém. Bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị về tình trạng của bố mình để bác sĩ cân nhắc sử dụng các biện pháp hỗ trợ nâng đỡ thể trạng trong thời gian hóa trị, chẳng hạn như tăng cường dinh dưỡng, cải thiện triệu chứng khó chịu, bổ sung hoặc điều chỉnh các thuốc hỗ trợ nhằm làm nhẹ đi các tác dụng phụ của hóa trị.
Khoảng thời gian này chắc chắn rất khó khăn cho chú và gia đình bạn. Mong chú và gia đình bạn có thể duy trì tinh thần thép, cố gắng cùng nhau đi đủ quá trình hóa trị hỗ trợ nhé. Chúc chú và gia đình nhiều sức khỏe!
Nếu có thêm thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ tổng đài Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi bị phản ứng kháng sinh có tiêm được vacxin ngừa Covid không bác sỹ?
Chào chị,
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 chỉ chống chỉ định với người có phản ứng với vaccine và các thành phần có trong vaccine Covid-19. Trong vaccine Covid-19 không chứa các thành phần/hoạt chất có kháng sinh, nên nếu chị có phản ứng với một loại kháng sinh nào đó thì vẫn được tiêm chủng. Tuy nhiên, chị nên tiêm chủng tại bệnh viện nhé.
Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em có tiền sử là nhịp nhanh xoang, bình thường nhịp tim em từ 85-95 lần/phút. Do em chủ quan, không đi khám và không dùng thuốc nên sau khi tiêm AstraZeneca mũi một, vừa dứt kim tiêm ra nhịp tim em tăng vọt nhanh toàn 135-140 lần/phút. Sau khi nằm theo dõi sau tiêm 30 phút, về nhà tim em vẫn bị dội từng cơn, từng cơn ào đến như vậy, khá liên tục.
Em tiêm từ ngày 12/9 đến nay vẫn phải theo dõi, sáng uống thuốc concor 2.5 mg và chiều 15h uống procoralan 5 mg (1/2 viên), em uống đều hằng ngày. Từ lúc tiêm tới giờ em bị mất ngủ, trước thời gian tiêm em ngủ rất ngon. Hiện tại em dùng thêm thực phẩm chức năng bổ não và magie B6 bổ thần kinh thì cơ thể em hiện tại mới đỡ mệt hơn chút.
Bác sĩ tư vấn giúp, em có nên tiêm mũi 2 không và nếu tiêm nên tiêm thuốc gì? Tình hình dịch căng nên em lại càng bị tâm lý. Sau tiêm mũi một và bị vậy, em đi chuyên khoa tim mạch, khi siêu âm thành tim dày 200. Ngoài ra, em còn có tiền sử dịch đầu gối năm 2019 và đã từng hút dịch gối phải 2 lần liền nhau. Rất mong nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Em cảm ơn ạ!
Chào chị,
Theo thông tin chị chia sẻ có lẽ chị đã đi khám và được cho dùng thuốc Concor và Procoralan (là 2 thuốc hạ nhịp tim khi nhịp tim nhanh). Không rõ chị đã được làm các xét nghiệm và thăm dò gì để chẩn đoán rối loạn nhịp nhanh của chị hay chưa ví dụ: xét nghiệm máu, chức năng tuyến giáp, theo dõi nhịp tim lưu động 24 giờ bằng máy Holter điện tim... Nhịp tim người bình thường ở lứa tuổi chị sẽ dao dộng trong khoảng 60-100 nhịp/ phút, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp nhanh như: cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (nhịp nhanh trong cơn 140-180 ck/phút, xuất hiện và kết thúc đột ngột), cường giáp (nhịp tim thường xuyên nhanh), thiếu máu, cường giao cảm, lo lắng căng thẳng...
Vấn đề rối loạn nhịp của chị tăng lên sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZenneca không rõ lúc đó huyết áp của chị có tăng/tụt không, có triệu chứng khó thở, mẩn ngứa, nôn mửa... không, có được chẩn đoán phản vệ với vaccine không hay chỉ ghi nhận nhịp tim nhanh không triệu chứng? Một số trường hợp ghi nhận rối loạn nhịp sau tiêm tuy nhiên cũng thường kèm theo tình trạng căng thẳng lo lắng của người bệnh.
Việc tiêm phòng bổ sung vaccine Covid-19 mũi 2, mũi 3... là cần thiết trong tình hình hiện tại. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là bệnh viện đa chuyên khoa, có sự kết hợp các chuyên ngành và các thầy thuốc chuyên khoa hàng đầu. Chị có thể mang theo các giấy tờ kết quả khám và đơn thuốc cũ đến khám chuyên khoa Tim mạch để loại trừ các bệnh lý tim mạch kết hợp với chuyên khoa Tâm lý để điều chỉnh rối loạn giấc ngủ. Chúc chị sức khỏe!
Để đặt lịch khám với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, em năm nay 31 tuổi, em chuẩn bị có kế hoạch mang thai nên bây giờ em bắt đầu uống Prenatal multi + DHA 200 mg DHA bổ sung trước. Theo em tìm hiểu thì phụ nữ chuẩn bị mang thai chỉ cần bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày là đủ. Nhưng trong thành phần của Prenatal multi + DHA 200 mg DHA thì lượng axit folic lên đến 800 mcg.
Nếu em uống mỗi ngày một viên (lượng axit folic gấp đôi) thì có ảnh hưởng gì không? Nếu em uống trong vòng 3 tháng mà vẫn chưa có thai thì em vẫn tiếp tục uống Prental cho đến khi nào có thai thì có được không hay là em phải ngưng trong thời gian bao lâu thì mới được uống lại? Em xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Việc bổ sung vitamin là cần thiết trước và trong thời gian mang thai, nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc, vì trong thức ăn hằng ngày nếu đầy đủ dinh dưỡng cũng giúp bạn được bổ sung một phần. Hơn nữa, thuốc bổ cũng có nhiều loại, nếu không hợp với loại này, bạn có thể thay thế loại khác chứ không buộc phải dùng loại thuốc đó mới tốt nhất được. Bạn có thể sắp xếp thời gian đến khám để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn cho bạn.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Xin chào bác sĩ, thời gian vừa rồi, chồng em là F0, đã tiêm vaccine 2 mũi, mũi cuối cùng từ tháng 9. Hiện nay, em đã hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày, tính đến nay là 21 ngày hiện tại sức khỏe bình thường, khỏe mạnh. Bác sĩ cho em hỏi, vợ chồng em có dự định thả bầu có được không và có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Chồng em 45 tuổi và em 33 tuổi. Em xin chân thành cảm ơn!
Chào chị,
Hiện tại chưa có đủ bằng chứng chứng minh nhiễm SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người nam và nữ. Tuy nhiên, để có một thai kỳ khỏe mạnh, chị cần chuẩn bị sức khỏe cũng như tiêm ngừa một số bệnh cần thiết đủ thời gian trước khi mang thai. Anh chị có thể đến các trung tâm Sản Phụ khoa uy tín để được khám và tư vấn tiền mang thai.
Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, triển khai đa dạng các gói thăm khám và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ, sẵn sàng hỗ trợ anh chị.
Rất mong sớm được đón tiếp anh chị đến thăm khám. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ qua tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Kính gửi bác sĩ, mắt em một bên thường xuyên bị co giật. Em có đi khám ở bệnh viện thì họ bảo do mắt em bị cận một độ mà không đeo kính nên mắt bị yếu. Em cũng thi thoảng bị đau đầu nên bệnh viện có chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não để xem có vấn đề gì không. Bác sĩ kết luận là não của em bình thường và về uống thuốc theo chỉ định. Nếu sau một tháng không đỡ thì tái khám.
Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc viên uống sáng mắt và lọ nhỏ mắt. Em uống đã được 20 ngày rồi nhưng tình trạng mắt em vẫn không đỡ. Mắt giật giật thường xuyên khiến em rất khó chịu. Em nhờ bác sĩ tư vấn giúp, em cảm ơn bác sĩ nhiều.
Chào bạn,
Trường hợp cận một độ là không cao nhưng cũng làm người bệnh nhìn không rõ, đôi lúc phải căng mắt ra để tập trung nhìn một vật nào đó, có thể gây mỏi mắt, giật mắt. Bạn đã khám mắt và chụp MRI, kết luận không có gì nghiêm trọng thì có thể yên tâm. Với tật máy cơ mắt, bạn nên nghỉ ngơi, làm việc điều độ, áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20, tránh thức khuya, dẹp bỏ phiền muộn, suy nghĩ là có thể tự hết. Bạn cũng có thể chườm ấm, kết hợp xoa mắt. Thân mến!