Rối loạn ám ảnh hình thể (Body Dysmorphic Disorder - BDD) là rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến những suy nghĩ và lo lắng ám ảnh về ngoại hình hoặc các khuyết điểm mà người khác thường không nhận thấy. Người mắc có nguy cơ cao tự làm hại bản thân hoặc có ý nghĩ tự tử. Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
Triệu chứng
- Ám ảnh quá mức về khuyết điểm cơ thể mà người khác hầu như không nhìn thấy hoặc không để ý.
- Dành 3 đến 8 giờ hoặc hơn mỗi ngày để nghĩ về khuyết điểm này, không thể kiểm soát suy nghĩ.
- Thường xuyên soi gương để kiểm tra ngoại hình.
- Cảm giác xấu hổ vì ngoại hình của bản thân.
- Cố gắng che giấu khuyết điểm bằng trang điểm, kiểu tóc hoặc quần áo.
- Thường xuyên so sánh bản thân với người khác.
- Tìm kiếm sự trấn an từ người khác về vẻ ngoài.
- Tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn thiện ngoại hình nhưng không bao giờ hài lòng.
- Tránh các tình huống xã hội vì lo âu, xấu hổ hoặc sợ hãi.
- Có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
Nguyên nhân
Rối loạn ám ảnh hình thể có thể liên quan đến nhiều yếu tố:
- Di truyền: Nếu bạn có người thân (cha, mẹ, anh chị em) mắc rối loạn ám ảnh hình thể thì nguy cơ cao hơn người bình thường.
- Cấu trúc và hoạt động bất thường tại một số vùng não.
- Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh serotonin.
- Áp lực về tiêu chuẩn sắc đẹp.
- Bị bắt nạt hoặc trêu chọc vì ngoại hình.
- Tính cách cầu toàn, tự chỉ bản thân.
- Lo âu, mắc các bệnh thần kinh như trầm cảm.
Biến chứng
Nếu không điều trị, rối loạn ám ảnh hình thể có thể dẫn đến:
- Trầm cảm nặng.
- Ý định tự tử hoặc tự hại bản thân.
- Cô lập xã hội, thất nghiệp, bỏ học.
- Sử dụng chất kích thích, rối loạn ăn uống.
- Nhiều người không được điều trị có ý nghĩ tự tử, nguy cơ tử vong tăng cao.
Điều trị
Hiện chưa có cách chữa khỏi rối loạn ám ảnh hình thể nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
- Liệu pháp tâm lý giúp người bệnh nhận diện và điều chỉnh các suy nghĩ tiêu cực, giảm soi gương, tìm kiếm sự trấn an hay lạm dụng thẩm mỹ.
- Liệu pháp gia đình giúp các thành viên trong gia đình hiểu rõ bệnh, cải thiện tương tác và hỗ trợ người bệnh.
- Dù chưa có thuốc nào được phê duyệt riêng để điểu trị rối loạn ám ảnh hình thể, song thuốc trầm cảm có thể đem lại tác dụng. Thuốc có thể điều chỉnh serotonin và cải thiện tâm trạng, giảm ám ảnh. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cần nhập viện tạm thời nếu có ý định tự tử hoặc không thể tự chăm sóc bản thân.
Anh Chi (Theo EveryDay Health)
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.