Loạn thị là tật khúc xạ ở mắt do giác mạc ghi nhận những hình dạng khác so với hình thực tế.
Những tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ lại một điểm thì bị khuếch tán trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được có hình dạng méo mó và nhoè.
Bất kỳ ai cũng có thể bị loạn thị. Tật khúc xạ này có thể phát triển tại bất kỳ thời điểm nào, thậm chí ngay từ khi sinh ra.
Triệu chứng
Dấu hiệu loạn thị khác nhau ở mỗi người, thậm chí ở một số người không có dấu hiệu nào. Các dấu hiệu chính gồm:
- Mờ mắt là triệu chứng phổ biến, khiến khó nhìn thấy chi tiết trên các vật thể.
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
- Tầm nhìn mờ hoặc méo mó.
- Khó nhìn hơn vào ban đêm.
- Mỏi mắt có thể nhận thấy sau khi tập trung thời gian dài.
- Nhức đầu.
- Nheo mắt.
Nguyên nhân
- Di truyền: Trẻ có cha mẹ bị loạn thị sẽ dễ xảy ra tình trạng này hơn.
- Chấn thương ở mắt: Các chấn thương thể thao, tai nạn và dị vật trong mắt gây đau, sưng, đỏ và các triệu chứng khác. Chấn thương nghiêm trọng ở mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
- Bệnh keratoconus (bệnh giác mạc chóp) xảy ra theo thời gian, khi độ cong tròn bình thường của bề mặt mắt lồi ra ngoài giống như hình chóp.
- Thoái hóa giác mạc.
- Biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Chẩn đoán
- Kiểm tra thị lực bằng cách nhìn vào biểu đồ treo tường gồm các chữ cái hoặc ký hiệu.
- Kiểm tra khúc xạ để đo lượng ánh sáng tập trung và bẻ cong khi đi vào mắt.
- Bản đồ giác mạc để đo đường cong giác mạc của người bệnh.
- Đèn khe là một loại kính hiển vi đặc biệt có ánh sáng mạnh chiếu vào mắt để nhìn thấy các lớp và các phần khác nhau của mắt.
Phân loại
- Loạn thị giác mạc xảy ra khi giác mạc có hình dạng không đều, gọi là loạn thị giác mạc.
- Loạn thị thấu kính là tình trạng thủy tinh thể trong mắt người bệnh có hình dạng không đều.
Đôi khi, một số người bị loạn thị giác mạc và cả loạn thị thấu kính.
Mức độ nghiêm trọng của loạn thị được biểu thị bằng diopters (diop). Đây là đơn vị đo công suất quang học của thấu kính. Chỉ số càng cao nghĩa là tầm nhìn càng kém hoặc cần điều chỉnh nhiều.
Mức độ nghiêm trọng của loạn thị tương quan với chỉ số diop gồm:
- Loạn thị nhẹ: Dưới 1.00 diop.
- Loạn thị vừa: 1.00 - 2.00 diop.
- Loạn thị nặng: Trên 2.00 - 3.00 diop.
- Loạn thị rất nặng: Hơn 3.00 diop.
Điều trị
- Người bị loạn thị rất nhẹ (không ảnh hưởng đến thị lực) không cần đeo kính hoặc kính áp tròng. Bác sĩ sẽ đo bất kỳ thay đổi nào ở mắt tại các lần khám.
- Khi loạn thị ở mức độ thông thường, người mắc phải được điều chỉnh thấu kính như kính cận, kính áp tròng hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa
-
Khám mắt định kỳ giúp kịp thời phát hiện và điều trị. Hầu hết trường hợp loạn thị tự xuất hiện và tiến triển tự nhiên.
-
Người có nguy cơ mắc bệnh keratoconus nên hạn chế dụi mắt.
- Nếu gia đình có người loạn thị, những thành viên còn lại nên tầm soát định kỳ.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.