Định nghĩa đường huyết
Glucose trong máu cung cấp năng lượng cho tế bào. Chúng ta hấp thụ glucose từ thực phẩm và đồ uống.
Sau khi ăn, một loại hormone gọi là insulin sẽ tăng lên trong cơ thể trong thời gian ngắn. Insulin giúp cơ thể hấp thụ glucose từ máu, do đó có thể sử dụng glucose làm năng lượng.
Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index), được định nghĩa là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu, thường được đo bằng đơn vị là mmol/l hoặc mg/dl.
Mặc dù lượng đường có thể tăng hoặc giảm trong ngày, nhưng có một xét nghiệm máu (gọi là xét nghiệm HbA1c) có thể đo lượng đường huyết trung bình của bạn trong khoảng 3 tháng.
Lượng đường huyết của người bình thường là bao nhiêu?
Lượng đường huyết bình thường ở người khỏe mạnh là từ 4,0 đến 5,4 mmol/l khi đói và lên đến 7,8 mmol/l 2 giờ sau khi ăn.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2, lượng đường huyết trước bữa ăn nên từ 4 đến 7 mmol/l. Sau bữa ăn, nên dưới 9 mmol/l đối với người mắc bệnh tiểu đường type 1 và dưới 8,5 mmol/l đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Với hầu hết trường hợp, lượng đường trong máu dưới 3,9 mmol/l được coi là quá thấp và được gọi là hạ đường huyết. Bất kỳ lượng đường nào dưới 2,22 mmol/l đều đe dọa tính mạng.
Tại sao lượng đường huyết lại quan trọng?
Nếu cơ thể không có đủ insulin để kiểm soát lượng đường từ thức ăn và đồ uống, lượng đường sẽ ở lại trong máu. Điều này cũng có thể xảy ra nếu bạn bị kháng insulin, nghĩa là cơ thể không phản ứng đúng với insulin.
Lượng đường trong máu cao kéo dài gây hại mạch máu, dẫn đến bệnh tim mạch vành, bệnh thận, bệnh về mắt do tiểu đường. Vì vậy, cần kiểm tra lượng đường trong máu để kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng.

Đo đường huyết. Ảnh: drexcomedical
Khi nào nên đi khám?
Nếu có triệu chứng tiểu đường như đi tiểu nhiều, khát nước, đói, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc mờ mắt, hãy đi khám.
Nếu lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa bị tiểu đường, bạn có thể không có triệu chứng.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe. Nếu lượng đường huyết quá cao, bác sĩ sẽ tư vấn cách giảm.
Cách nào giảm đường huyết?
Bạn có thể giảm lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, hạn chế đường bổ sung và thực phẩm tinh bột chế biến, đồng thời bổ sung nhiều trái cây, rau củ, đậu, protein nạc và chất béo không bão hòa lành mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh cùng tập thể dục thường xuyên giúp giảm lượng đường huyết về mức bình thường theo thời gian.
Mỹ Ý (Theo WebMD, British Heart Foundation)