Hôm kia, tôi đi chợ, thấy nhiều người bày bán sầu riêng dọc đường. Những chỗ để biển sầu riêng 70 nghìn một kg không ai ghé, còn chỗ để biển 'sầu riêng hạt lép 30k' khách đông nghịt.
Tò mò, tôi cũng ghé vào xem, trong bụng thầm nghĩ xem 30k là thế nào, trong lòng hy vọng là sầu riêng mini. Một chiếc xe du lịch 17 chỗ tắp vào, đoàn người trên xe ghé xuống mua.
"Sầu riêng bao nhiêu một kg", họ cũng cảnh giác nên hỏi người bán. Người bán "70 nghìn một kg". Một ông thắc mắc: "Sao để biển 30K". Người bán nhanh nhảu: "Có loại 30K mà". Chị ấy chỉ qua hai trái sầu riêng bé xíu xiu, chưa chín, mua về sẽ không ăn ngay được. Bà cô đứng kế bên tôi nói: "Một lần bất tín, vạn lần bất tin, mua về khui ra chưa chắc có múi nào". Nói rồi cô và con gái lấy xe chạy đi.
Thấy nhiều khách thắc mắc về biển '30K', người bán đổ quạu: "Có 30K đó chứ có phải không có đâu".
Người bán thì chẳng có vẻ áy náy, như thể chuyện đó là bình thường. Và có lẽ, đúng là bình thường thật, vì tôi từng thấy kiểu niêm yết mập mờ này ở không ít nơi. Trái cây đề giá theo nửa ký, chữ nhỏ bằng đầu tăm, trong khi con số to đùng khiến khách lầm tưởng là giá một ký. Có nơi bán thịt, cá, hải sản cũng lập lờ tương tự: để giá theo lạng, rồi tính tiền theo ký.
Kiểu buôn bán lập lờ này thực ra không mới. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là vì sao nó vẫn tồn tại dai dẳng, thậm chí lan rộng trong tư duy của người bán hàng? Họ nghĩ sẽ khai thác được bởi tâm lý "thôi lỡ rồi", dừng xe, hỏi giá, ngại bỏ đi nên đành nhắm mắt mua?
Có thể bán được vài kg sầu riêng, nhưng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo, hành vi đánh tráo khái niệm, mập mờ giá cả không những phản cảm mà còn là cách tự hủy hoại uy tín.
Không ai cấm bạn bán giá cao. Nhưng hãy rõ ràng. Rõ ràng về giá, về loại hàng, về chất lượng. Bởi khi khách hàng cảm thấy bị coi thường, họ sẽ không chỉ quay lưng mà còn kể lại cho người khác nghe.