"Bố mẹ thường định hướng nghề nghiệp, học hành cho con rất kỹ, nhưng lại lơ là sức khỏe tình dục, một phần thiết yếu để trưởng thành lành mạnh", bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhấn mạnh.
Trong quá trình thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ Minh nhận thấy nhiều phụ huynh còn chủ quan, hoặc lúng túng khi nói về vấn đề chăm sóc, giáo dục sức khỏe tình dục cho con.
"Có những bé gái 9-10 tuổi được bố mẹ đưa đi khám bệnh lý khác, vô tình tôi có cơ hội trò chuyện và nhận ra, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ con mình còn nhỏ, chưa cần quan tâm đến giáo dục giới tính hay các vấn đề liên quan đến tình dục an toàn", bác sĩ Minh nói.

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: Bích Thục
Thực tế, ở Việt Nam, có những trẻ bắt đầu quan hệ tình dục từ trước 14 tuổi. Tuy nhiên, sự hiểu biết về quan hệ an toàn, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục ở nhóm tuổi này còn hạn chế. Không ít trẻ tiếp cận quan hệ tình dục lần đầu trong tâm thế thiếu chuẩn bị, thiếu hiểu biết, điều này để lại những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ về thể chất mà cả tâm lý, tương lai học tập và các mối quan hệ xã hội sau này.
"Chúng ta không thể tiếp tục trì hoãn việc định hướng sức khỏe tình dục cho trẻ chỉ vì định kiến ‘con tôi còn nhỏ’. Đây là quan điểm cần thay đổi càng sớm càng tốt," bác sĩ Minh cho hay.
Giới chuyên gia cũng nhận định, một trong những lý do khiến trẻ em Việt Nam thiếu kiến thức về tình dục an toàn là do sự im lặng hoặc né tránh từ phía phụ huynh. Trong nhiều gia đình, chủ đề này vẫn được xem là tế nhị, nhạy cảm hoặc không phù hợp để nói với con.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh, sự im lặng này đã tạo ra khoảng trống lớn trong nhận thức của trẻ. Khi các em có nhu cầu tìm hiểu, không có nguồn tin chính thống từ gia đình để trao đổi, các em sẽ tự mày mò trên mạng hoặc hỏi bạn bè, điều đó rất rủi ro.
"Không ít lần, tôi tiếp xúc với những trường hợp mà cha mẹ chỉ đưa con đi khám khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản. Lúc ấy đã muộn để nói chuyện giáo dục dự phòng", bác sĩ nói.
Một trong những biện pháp chủ động dự phòng hiệu quả mà cha mẹ có thể làm từ sớm là dự phòng HPV giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến vi rút này, bao gồm ung thư cổ tử cung, hậu môn và mụn cóc sinh dục. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chỉ chú trọng dự phòng cho bé gái, trong khi các bé trai cũng có nguy cơ phơi nhiễm và là tác nhân lây cho bạn tình trong tương lai.
"Tôi từng gặp trường hợp gia đình đưa cả hai anh em đi khám để dự phòng HPV, nhưng chỉ quan tâm đến bé gái, còn bé trai thì 'đi cùng cho vui'. Quan niệm con trai không cần dự phòng là một thiếu sót đáng tiếc," bác sĩ Minh nhận định.
Không chỉ là chuyện riêng của trẻ, sức khỏe tình dục còn là vấn đề chung của cả gia đình, bởi nó ảnh hưởng đến tương lai lâu dài và chất lượng sống của các thế hệ sau.
Theo bác sĩ Minh, sức khỏe tình dục không chỉ là phòng tránh mang thai ngoài ý muốn hay bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đó còn là khả năng hiểu và tôn trọng bản thân, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, đưa ra lựa chọn an toàn, và sống có trách nhiệm với chính mình và người khác.
Trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn phát triển mạnh cả về thể chất, tâm sinh lý và hành vi xã hội. Đây cũng là lúc các em dễ tò mò, dễ bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, trong khi chưa đủ kỹ năng đánh giá và phòng ngừa rủi ro.
"Giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên không có nghĩa khuyến khích quan hệ sớm. Trái lại, đó là cách giúp trẻ hiểu, biết bảo vệ bản thân, biết nói không và biết lựa chọn đúng lúc", bác sĩ Minh lý giải.
Vai trò của cha mẹ là nền tảng trong việc giáo dục sức khỏe tình dục cho con. Để định hướng, tư vấn hiệu quả, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu, trang bị đủ kiến thức và trò chuyện với con về chủ đề này. Phụ huynh có thể tìm hiểu kiến thức khoa học, tin cậy từ các tài liệu của Bộ Y tế, tổ chức y tế quốc tế, hoặc tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Xây dựng mối quan hệ gần gũi với con để con cảm thấy tin tưởng, thoải mái, từ đó dễ dàng chia sẻ hơn. Với trẻ nhỏ, có thể bắt đầu từ những bài học về cơ thể, giới tính, vệ sinh cá nhân. Với trẻ lớn hơn, nên nói về cảm xúc, quan hệ lành mạnh, phòng tránh rủi ro.
Mỗi đứa trẻ có nhịp phát triển riêng, nên điều quan trọng là đồng hành và hỗ trợ chứ không áp đặt hoặc buộc trẻ phải "hiểu đúng, làm đúng" ngay từ đầu.
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cho biết, hai bé nhà chị, bé trai 11 tuổi, bé gái 15 tuổi đều được trò chuyện cởi mở, định hướng sức khỏe tình dục và dự phòng HPV từ sớm. "Tôi nghĩ việc này không chỉ giúp các con phòng tránh rủi ro, mà còn tạo nền tảng cho sự tự tin, độc lập và có trách nhiệm trong các mối quan hệ tương lai", nữ bác sĩ nói.
Thế Đan
HPV là vi rút gây u nhú ở người. Nhiễm HPV cực kỳ phổ biến trên thế giới. Đa số trường hợp nhiễm không có triệu chứng và tự đào thải, tuy nhiên nhiễm dai dẳng có thể gây các bệnh lý, tiền ung thư và ung thư ở nam và nữ. Hành động từ mỗi cá nhân cần thiết để nâng cao nhận thức dự phòng trong cộng đồng "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV". Tham vấn ngay với chuyên gia y tế và tìm hiểu thêm về HPV tại hpv.vn.