Ngày 6/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trước báo giới rằng thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump "vẫn đang thiết lập các mức thuế và đàm phán thỏa thuận thương mại".
Trước đó, đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế ở mức cao, tạm thời chỉ áp dụng mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ. Hạn chót cũ là ngày 9/7. Vì vậy, các nước hiện sẽ có thêm 3 tuần để giải quyết vấn đề này.
Trả lời CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng xác nhận việc này. "Tổng thống Trump sẽ gửi thư báo thuế cho một số đối tác thương mại. Trong đó nói rằng nếu họ không có hành động, từ ngày 1/8, thuế sẽ quay lại mức như đã thông báo ngày 2/4. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta sắp chứng kiến thêm nhiều thỏa thuận mới được hoàn thành nhanh chóng", ông nói.
Bessent dự báo một số thỏa thuận thương mại có thể được công bố trong vài ngày tới, đồng thời tiết lộ việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển tốt. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ gửi thư cho khoảng 100 quốc gia nhỏ hơn, có kim ngạch thương mại với Mỹ không lớn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kiev, Ukraine ngày 12/2. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục đưa ra lời đe dọa áp thuế mới. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: "Bất kỳ quốc gia nào đứng về phía các chính sách chống Mỹ của BRICS sẽ bị áp thuế bổ sung 10%. Chính sách này không có ngoại lệ". BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. BRICS sau đó kết nạp Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia. Ngoài ra, BRICS cũng gồm một số nước đối tác.
Trước đó, trả lời báo giới tại căn cứ liên hợp Andrews ở bang Maryland ngày 4/7, ông Trump đã khẳng định sẽ gửi thư thông báo thuế nhập khẩu cho các nước trong 5 ngày tới. Mỗi ngày gửi đến 10-12 quốc gia. Trong phần lớn các trường hợp, thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
"Mức thuế có thể dao động từ 10-20% đến 60-70%. Nhưng thư sẽ được gửi từ ngày mai. Chúng tôi đã hoàn tất mẫu nội dung, về cơ bản là giải thích các nước sẽ phải trả thuế bao nhiêu", ông nói.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết trên CBS rằng Mỹ có thể linh hoạt với những quốc gia đang đàm phán nghiêm túc. "Chúng ta có các hạn chót và cũng có những thứ đang gần đạt được. Vì vậy, có thể một số thứ sẽ được lùi quá thời hạn", Hassett nói, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống sẽ là người quyết định điều đó có xảy ra hay không.
Trên ABC News, Stephen Miran - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA) - cho biết các nước cần nhượng bộ để có mức thuế nhập khẩu thấp hơn. "Tôi đã nghe được những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán với châu Âu và Ấn Độ. Tôi cho rằng các quốc gia đang nhượng bộ có thể sẽ được gia hạn", ông nói.
Trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận và bày tỏ hy vọng có thể ký kết một hiệp định với EU. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt thỏa thuận với Nhật Bản.
Ấn Độ và Mỹ dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về một thỏa thuận thương mại nhỏ trong 48 giờ tới, theo kênh truyền hình Ấn Độ CNBC-TV18. Kênh này đưa tin mức thuế trung bình áp lên hàng hóa Ấn Độ xuất sang Mỹ sẽ là 10%.
Thái Lan hiện cũng đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản và hàng hóa công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng mua năng lượng và máy bay Boeing, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói với Bloomberg hôm 6/7.
Hà Thu (theo Reuters)