Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x luôn phấn đấu làm việc chăm chỉ kiếm tiền mua nhà riêng thì mấy năm gần đây, quan điểm về việc sở hữu nhà ở của thế hệ Gen Z có nhiều sự thay đổi đáng kể. Nguyên nhân là giá nhà ở thành phố lớn ngày càng tăng cao, trong khi thu nhập của người lao động chỉ đủ trang trải cuộc sống, dù có làm việc 20 năm cũng không đủ tiền mua nhà.
Tôi là thế hệ đầu 8X, sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, xuống Hà Nội học đại học từ năm 1999-2003. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tự đi nộp hồ sơ khắp nơi để xin việc làm, thuê phòng trọ sinh viên 15 m2 để ở, vừa làm việc vừa tích lũy tiền để mua nhà. Tôi kết hôn với chồng cũng là dân tỉnh lẻ, không có nhà ở Hà Nội nên cả hai tiếp tục thuê phòng trọ như các em sinh viên để ở.
Chính vì không có nhà ở Hà Nội nên cuộc sống khi mới lập nghiệp của chúng tôi vô cùng gian nan. Khi nằm trong phòng trọ nhỏ xíu, tôi chỉ dám ao ước sau này mình có tiền để mua một căn nhà cấp bốn, rộng 30 m2 để ở là mãn nguyện rồi.
Tôi làm việc chính trong một doanh nghiệp nhà nước suốt 15 năm, làm thêm nhiều công việc khác kín cả tuần, không có thời gian nghỉ ngơi, chi tiêu tiết kiệm. Sau khi tích lũy tiền hơn chục năm, tôi vay tiền mua đất khi giá đất còn rất rẻ, rồi kiếm tiền trả nợ dần. Có một khoản tiền, tôi lại tiếp tục vay thêm để xây nhà, trả nợ dần dần nên mới có được ngôi nhà nhỏ ở quận Hà Đông, Hà Nội như hôm nay.
Nếu chỉ làm một công việc chính bình thường, không làm việc thêm vào buổi tối và cuối tuần, không có nguồn thu nhập khác từ các công việc làm thêm, không dám vay tiền mua đất từ sớm, chờ tích lũy đủ tiền mới đi mua đất, thì có lẽ giờ này 40 tuổi tôi vẫn chưa đủ tiền mua nhà.
Xung quanh tôi có rất nhiều người ở độ tuổi 35-40, đã kết hôn, sinh con nhưng vẫn phải nhờ ở nhà bố mẹ. Nguyên nhân thì có nhiều, có người thừa tiền mua nhà nhưng không mua, ở cùng bố mẹ để bố mẹ hỗ trợ chăm con nhỏ. Có người là con một nên bố mẹ không muốn cho ở riêng. Nhưng nguyên nhân chính đa phần là các em chưa có khả năng kinh tế mua được nhà riêng, nên đành phải ở cùng bố mẹ.
>> Quyết định vay 1,1 tỷ mua nhà giúp tôi tăng tài sản hơn người bạn ở thuê
Các em thế hệ 9X, Gen Z đi làm văn phòng với mức lương trung bình khoảng 15-30 triệu đồng một tháng, nếu có sẵn nhà bố mẹ ở Hà Nội thì còn tiết kiệm được chút tiền. Chứ nếu phải đi thuê nhà và nuôi hai đứa con nhỏ thì lo trang trải cuộc sống gia đình đã không đủ chi tiêu, nói gì đến tích lũy tiền mua nhà.
Chi tiêu sinh hoạt ở Hà Nội bao gồm rất nhiều khoản, chưa cần bước chân ra đường đã phải tiêu tiền. Những khoản chi phí cố định như tiền thuê phòng trọ, tiền ăn uống, xăng xe, đám cưới, đám ma, sinh nhật bạn bè, thăm người ốm... đã chiếm một nửa số tiền lương. Chưa tính đến những người có con phải nộp học phí cho con đi học thì còn tốn kém hơn rất nhiều, có khi ngốn hết một suất lương của vợ hoặc chồng.
Tôi hiện là một viên chức công tác tại một trường đại học công lập. Theo Kết luận 83-KL/TW ngày 21/6/2024 thì thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 1/7/2024. Nhờ có chính sách này mà tôi được tăng lương đáng kể so với trước. Khi được hưởng mức lương mới này, tôi đã 42 tuổi, đã có 22 năm công tác, hệ số lương cơ bản cũng là 4.40.
Tổng thu nhập trung bình một tháng của tôi cũng chỉ nhỉnh hơn 20 triệu đồng một chút xíu. Nhưng tôi phải nuôi cả hai con gái đang ở độ tuổi ăn học, nên thu nhập đó không đủ, buộc tôi phải làm thêm một số công việc khác để có thể kiếm thêm tiền, và cũng không có khả năng tích lũy tiền mua thêm tài sản.
Đây là tôi đã có nhà riêng, không mất tiền thuê nhà. Chứ nếu không, vừa nuôi hai con, vừa kiếm tiền mua nhà, không biết khi nào tôi mới có thể mua nhà Hà Nội khi mà giá nhà ngày càng tăng? Một căn hộ chung cư nho nhỏ bây giờ người ta cũng hét giá 4-5 tỷ đồng chứ chẳng ít.
Thực tế từ năm ngoái đến nay, giá bất động sản ở Hà Nội vẫn liên tục sốt nóng ở hầu hết phân khúc như chung cư, nhà ngõ... Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng cũng chuyển sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô khi nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, thời gian gần đây, loại hình đất đấu giá vùng ven Hà Nội cũng đang thu hút sự quan tâm lớn với giá trúng cao ngất ngưởng.
Thế nên, thay vì xem việc mua nhà là một mục tiêu tất yếu trong cuộc sống, nhiều người trẻ đang cân nhắc sử dụng nguồn tài chính để đầu tư vào các kênh khác nhằm tối ưu hóa lợi nhuận hoặc tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Nhiều người trẻ ngày nay mong muốn có sự linh hoạt trong công việc và nơi ở. Khi bị trói buộc vào một khoản vay mua nhà, họ mất đi cơ hội trải nghiệm, thử thách bản thân ở các thành phố khác hoặc đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích dài hạn hơn.
Với mức giá 50-70 triệu đồng một m2 cho một căn hộ trung cấp, người lao động bình thường phải làm việc hơn 20 năm mới có thể tích lũy đủ tiền mua. Phần lớn người mua nhà phải vay ngân hàng, chịu áp lực lớn về lãi suất và trả nợ. Hiện nay, việc mua nhà chắc chắn sẽ càng khó khăn khi quỹ đất hạn hẹp, chủ đầu tư lớn không còn mặn mà với những dự án nhà giá rẻ, nhà dành cho người thu nhập thấp nên cơ hội mua nhà với nhiều người sẽ ngày càng xa vời. Do đó, nhiều người không dám mua nhà vì lo ngại gánh nặng nợ nần, thay vào đó chọn giải pháp thuê nhà và tích lũy dần.
Một số người em thân thiết của tôi ở độ tuổi 35-40 lựa chọn thuê căn hộ chung cư có hai phòng ngủ, giá thuê khoảng 12-15 triệu đồng một tháng cho cả gia đình ở. Cứ con học trường nào thì cả nhà lại chuyển đến khu vực gần đấy để thuê nhà ở, tiện đưa đón con đi học, cũng không bị áp lực trả lãi vay ngân hàng mua nhà.
Trước đây, tôi không ủng hộ suy nghĩ đi thuê nhà cả đời của các bạn trẻ nhưng bây giờ tôi thấy đó cũng là một lựa chọn không tồi. Suy cho cùng, lúc chết cũng không mang theo được tài sản. Chúng ta vất vả kiếm tiền cũng là để phục vụ cuộc sống của mình tốt hơn. Nếu cả đời cứ lo tiết kiệm, kiếm tiền trả nợ mua nhà thì quá áp lực, cuộc sống không có giây phút thảnh thơi.
Chi bằng, cứ quẳng gánh lo đi mà vui sống. Không có khả năng mua nhà thì thuê nhà, tiền kiếm được thay vì đổ vào nhà đất thì đầu tư vào việc học tập của con, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Dần dần, thế hệ Gen Z Việt có lẽ cũng sẽ sống như phương Tây, cả đời chỉ đi thuê nhà hoặc mua nhà trả góp 30-40 năm cho nhẹ đầu.
>> Lãi 1,5 tỷ đồng nhờ chốt vay mua nhà thay vì ở trọ
Có một số người bạn của tôi quyết định vay ngân tiền ngân hàng để mua nhà khi công việc đang ổn định và thu nhập cao. Thế nhưng vài năm sau đó, lãi suất vay tăng lên đột ngột, họ rơi vào tình thế khó khăn. Nhiều người phải chấp nhận bán nhà với giá thấp để lấy tiền trả ngân hàng vì không đủ khả năng "gánh" lãi suất cao.
Hà Nội thuộc top những thủ đô khó mua nhà nhất thế giới khiến nhiều người chật vật tìm nơi an cư. Mong muốn có một mái nhà càng xa vời khi Hà Nội nhiều năm đứng đầu cả nước về mức chi phí đắt đỏ. Ở Việt Nam, phần lớn người lao động có thu nhập thấp, chỉ có khả năng để thuê nhà ở thành phố lớn.
Chính vì vậy, để có thể sở hữu được một căn nhà, không còn cách nào khác, các bạn trẻ phải gia tăng thu nhập, tiết kiệm chi tiêu, có thể tính đến việc mua nhà ở nơi cách xa trung tâm thành phố; dùng đòn bẩy ngân hàng hoặc thậm chí là kêu gọi sự trợ giúp tài chính từ người thân, từ bố mẹ, họ hàng. Còn nếu không, hai vợ chồng phải có thu nhập thật cao từ 70-80 triệu đồng/tháng thì mới tính được chuyện an cư, lạc nghiệp, mua nhà.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần có nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động như những biện pháp về hành chính, quy định về nhà ở xã hội, cần xem xét phương án đầu tư nhà ở xã hội và có những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các đối tượng yếu thế, xây nhà cho người dân thuê. Ngoài ra, cần đưa ra Luật thuế bất động sản, đánh thuế những người đầu cơ, tích trữ, những người nhiều nhà nhưng để đó để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, làm giá.
Điều quan trọng nhất là cần phải tăng thu nhập cho người lao động thì khi đó rào cản về tài chính mới được gỡ bỏ và người dân sẽ dễ dàng sở hữu một căn nhà hơn. Hy vọng một ngày không xa, việc mua nhà Hà Nội sẽ không còn khó như lên trời nữa.
- Nhà Sài Gòn 'ngáo giá' 8 tỷ đồng, tôi thà thuê 20 triệu một tháng
- Lương 9 triệu, căn hộ Sài Gòn 50 m2 giá 1,8 tỷ
- Tôi mua vàng, đầu tư chứng khoán vì nhà 'ngáo giá'
- Có bốn bất động sản nhưng sống không yên vì khoản nợ 4,7 tỷ đồng
- 'Người trẻ ở thuê cả đời vì giá chung cư TP HCM 60 triệu đồng một m2'
- Nhà Sài Gòn trong hẻm ba xuyệt nhưng 'hét giá' 6 tỷ đồng