Vài phút trước khi chuyến bay số hiệu 2216 của hãng hàng không Hàn Quốc Jeju Air tìm cách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan tỉnh Jeolla Nam hôm 29/12/2024, phi công trong buồng lái đã tắt nhầm động cơ bên trái vốn hoạt động bình thường, thay vì tắt động cơ bên phải bị hư hại nặng do va chạm với chim.
Đây là kết luận trong báo cáo sơ bộ được Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) đưa ra cuối tuần trước sau thời gian điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Động cơ bị tắt nhầm đã dẫn đến phi cơ mất hoàn toàn lực đẩy và điện năng từ cả hai động cơ khi hạ cánh. Máy bay đã cố hạ cạnh mà không thả càng đáp, trượt bằng bụng trên đường băng trước khi đâm sầm vào bức tường bê tông và bốc cháy.
Hai tiếp viên hàng không may mắn sống sót, trong khi 179 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Đường hạ cánh của máy bay Jeju Air trước thảm họa. Đồ họa: Yonhap
Công đoàn phi công Jeju Air chỉ trích báo cáo của ARAIB, khẳng định "kiên quyết bác bỏ nỗ lực ác ý nhằm đổ lỗi cho phi công". Giới chuyên gia cũng cho rằng không nên kết luận vội vàng về "lỗi phi công" trong sự cố, bởi có nhiều lý do khách quan khiến họ có thể tắt nhầm động cơ trong tình huống khẩn cấp.
Joe Jacobsen, chuyên gia an toàn hàng không từng làm việc tại Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho rằng phi công có thể đã xác định nhầm động cơ cần phải tắt, khi họ phải ra quyết định trong tích tắc, trong lúc các hệ thống điện tử trên máy bay có thể đã bị ảnh hưởng do sự cố mất điện từ động cơ.
Các nhà điều tra cho hay sau khi phi cơ va chạm với chim, cả hai động cơ đều bị rung khi vận hành, dấu hiệu cho thấy có hư hại. Các điều tra viên cũng tìm thấy lông chim trong cả hai động cơ.
Động cơ bên phải ghi nhận hiện tượng tăng áp, dấu hiệu cho thấy bộ nén khí bị hư hại, khiến nó phụt lửa và bốc khói, theo quan chức điều tra. Tuy nhiên, động cơ này vẫn có điện ngay trước khi máy bay hạ cánh bằng bụng.
Động cơ chính của máy bay ngoài tạo lực đẩy còn cung cấp điện năng cho phi cơ thông qua máy phát điện đặt trên đó. Các chuyên gia hàng không Mỹ cho rằng khi động cơ bên phải bốc cháy, nó có thể vẫn tạo ra một phần lực đẩy, nhưng không đủ để cứu máy bay.
Trong buồng lái máy bay Boeing, các tham số quan trọng và tín hiệu cảnh báo về động cơ được quản lý bằng Hệ thống Cảnh báo Phi hành đoàn và Chỉ dấu Động cơ (EICAS). Hệ thống này gồm hai màn hình, hiển thị các cảnh báo về động cơ theo mức độ nghiêm trọng, kèm đèn cảnh báo, âm thanh báo động và thông báo bằng chữ hiện trên màn hình.

Lính cứu hỏa đứng trước xác máy bay Jeju Air bị rơi sau khi trượt khỏi đường băng tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, ngày 31/12/2024. Ảnh: Reuters
John Goglia, cựu thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nói phi công có thể nhanh chóng xác định động cơ bị hỏng trong điều kiện bình thường. Nhưng khi hệ thống bị lỗi hoặc các dữ liệu không còn đáng tin cậy, các vấn đề nghiêm trọng có thể phát sinh.
"Nếu các màn hình đều tắt ngúm khi gặp sự cố, họ sẽ không còn nhiều dữ liệu để đánh giá tình hình", ông nói.
Trong buồng lái mô phỏng, phi công được huấn luyện cho những tình huống như vậy bằng kịch bản có sẵn, đôi khi được rút ra từ các sự cố thực tế, theo Goglia. Nhưng ngay cả quy trình huấn luyện như vậy cũng không đồng nghĩa họ có thể xử lý thành công mọi tình huống bất ngờ, đặc biệt là khi nhiều chức năng và thông tin giúp xử lý sự cố bị mất.
Chuyên gia Jacobsen cũng cho rằng nếu tín hiệu trên màn hình bị mất sau cú đâm phải chim, phi công máy bay Jeju Air sẽ không biết rõ động cơ nào đang bị hỏng và cần được ngắt nhiên liệu. Trong tình huống đó, phi công rất dễ tắt nhầm động cơ, khiến toàn bộ nguồn điện cũng như lực đẩy cho máy bay bị ngắt.
Mất điện động cơ sẽ làm mất lực đẩy và khả năng phát điện cho phi cơ, theo chuyên gia hàng không. Trong trường hợp đó, phi công thường phải dựa vào những thao tác điều khiển thủ công và quy trình khẩn cấp để tìm cách hạ cánh.
Những vụ tai nạn hàng không trước đây, trong đó có thảm kịch của hãng Kegworth Air năm 1989 và TransAsia Airways năm 2015, cho thấy việc phi công xác định nhầm động cơ bị hỏng có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc.
Trong cả hai vụ tai nạn, phi công đều tắt nhầm động cơ đang hoạt động, khiến máy bay không còn đủ năng lượng để tiếp tục bay, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Khoảnh khắc máy bay Jeju Air lao khỏi đường băng, đâm vào bức tường và bốc cháy ở sân bay Muan hôm 29/12/2024. Video: MBC
Các nhà điều tra thảm kịch Jeju Air hiện chưa công bố thông tin về tình trạng của màn hình hiển thị ở buồng lái sau khi phi cơ va chạm với chim. Họ đặt mục tiêu hoàn tất cuộc điều tra về vụ tai nạn muộn nhất vào tháng 6 năm sau.
Tuy nhiên, hộp đen máy bay đã ngừng ghi dữ liệu 5 giây sau khi động cơ bên trái bị tắt. Điều này tạo ra những khoảng trống thông tin về những gì xảy ra trong vài phút cuối cùng của phi cơ Jeju Air, khoảng thời gian mà phi công đã cố tìm cách hạ cánh khẩn cấp.
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, trong đó có lý do càng đáp không được thả bằng cách thủ công sau khi máy bay nguồn điện từ động cơ, và liệu máy phát điện dự phòng trên máy bay có hoạt động hay không.
"Nếu cả hai động cơ đều bị hỏng và hai phi công không có cách nào để biết thì sao", Jacobsen đặt câu hỏi. "Điều đó sẽ thay đổi mọi thứ".
Thùy Lâm (Theo Reuters, KBS, Gulf News)