Đọc bài viết "Vỡ nợ trăm tỷ vì bỏ kinh doanh phân bón đi buôn đất làm giàu", tôi lại nhớ tới một người bạn của mình. Bạn tôi hiện sinh sống và làm việc tại Đức Trọng, Lâm Đồng. Nghề chính của anh là đại lý phân bón, còn nghề phụ là trồng cà phê. Với thâm niên hàng chục năm kinh doanh trong ngành phân bón, anh đã gây dựng được uy tín lớn và một lượng khách hàng ổn định – phần lớn là nông dân trồng cà phê trong vùng.
Mô hình kinh doanh của anh khá đặc biệt: đầu năm bán chịu phân bón để nông dân sử dụng, cuối năm khi thu hoạch cà phê thì mới thu tiền. Nếu giá cà phê xuống thấp, anh cho nông dân khất nợ, ghi giấy nợ sang năm sau. Nếu tình hình tiếp tục khó khăn, anh nhận lại đất trồng cà phê để trừ nợ. Cứ như vậy, chỉ ở một vùng quê nhỏ, anh đã tích lũy được lượng tiền mặt lên tới hàng trăm tỷ đồng và sở hữu hàng trăm héc-ta đất trồng cà phê.
Những mảnh đất ấy khi cà phê được giá thì đem lại nguồn thu ổn định từ việc thu hoạch. Khi thị trường tốt hơn nữa, anh có thể bán đất với cây cà phê sẵn có. Có lô đất anh mua lại từ năm 2017 với giá dưới 2 tỷ đồng cho mặt tiền 20 mét trên quốc lộ. Nay, có người trả hơn 20 tỷ, nhưng anh vẫn chưa muốn bán. Những khu đất rẫy trồng cà phê của anh thì rộng mênh mông, trải dài khắp nơi.
>> 18 năm làm con nợ giúp tôi có bốn nhà, đất Sài Gòn
Không chỉ sở hữu đất và vườn, anh còn áp dụng hình thức khoán cho bà con làm thuê trên chính mảnh đất đó, đồng thời bán phân bón cho họ. Vậy là một công nhưng sinh lời nhiều phía: bán phân, sở hữu đất, thu hoạch cà phê, cho thuê đất, hoặc bán đất đúng lúc thị trường cần.
Đó là tư duy đi ngược dòng – khi người người, nhà nhà đổ xô trồng cà phê thì anh đi bán phân bón. Khi cà phê mất giá, người trồng lỗ vốn, anh lại nhận đất để thu hồi công nợ. Khi giá cà phê phục hồi, anh có trong tay đất đã trồng sẵn, có thể khai thác, cho thuê hoặc bán tùy thời điểm.
Cứ vậy, chỉ cần một, hai mùa cà phê là anh có thể hoàn vốn đất, còn lại là lợi nhuận đều đặn hàng năm từ thu hoạch. Câu chuyện của anh khiến tôi suy nghĩ nhiều về tư duy làm ăn trong nông nghiệp: không nhất thiết phải trực tiếp trồng trọt, sản xuất để làm giàu, mà đôi khi, chính sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh mới tạo ra giá trị bền vững và đột phá.
- Tôi mua nhà Sài Gòn 3 tỷ nhưng không dám bán 6 tỷ
- Tôi hối hận vì 20 năm gánh nợ mua nhà 3 tỷ ở Sài Gòn
- Sao phải dành nửa đời người trả nợ ngân hàng chỉ để có nhà Sài Gòn?
- Tôi lời to vì quyết định vay 1,7 tỷ mua nhà 2,2 tỷ
- Tám năm làm con nợ mua nhà 2 tỷ khi lương 30 triệu đồng
- Tôi mông lung sau khi dốc sạch tiền mua nhà 1,65 tỷ ven Sài Gòn