Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, các sản phẩm xuất khẩu chính của Mỹ sang đây là đậu nành, khí hóa lỏng và máy bay. Hiện tại, thuế áp với các mặt hàng này là 0-5%.
"Thuế sẽ là gần 0% với các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ, nhưng cũng phụ thuộc vào việc Mỹ giảm thuế cho chúng tôi tới đâu", Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, kiêm trưởng đoàn đàm phán của nước này với Mỹ, cho biết ngày 4/7.
Ông cũng xác nhận thông tin hãng bay quốc doanh Garuda Indonesia sẽ mua thêm máy bay Boeing. CEO Garuda cho biết đang thảo luận với Boeing về việc mua thêm 75 phi cơ.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto. Ảnh: Reuters
Franciscus Welirang - Chủ tịch Hiệp hội nhà máy xay bột mì Indonesia cũng tiết lộ "các thành viên sẽ mua 2 triệu tấn lúa mì thông qua đấu thầu với mức giá cạnh tranh". Ông khẳng định "tất cả thành viên sẽ mua lúa mì Mỹ". Các công ty Mỹ tham gia thỏa thuận lúa mì gồm các tập đoàn lớn như Cargill, Bunge Global, Pacificor, Archer-Daniels-Midland (ADM), Columbia Grain International và United Grain Corporation.
Hàng hóa Indonesia hiện đối mặt mức thuế 32% khi vào thị trường Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Indonesia có thặng dư hàng hóa 17,9 tỷ USD với nước này trong năm 2024.
Quốc gia Đông Nam Á thời gian qua đề xuất tăng mua hàng Mỹ để đẩy nhanh việc đàm phán thương mại giữa hai nước. Ngày 9/7 là hạn chót để các nước đạt thỏa thuận với Mỹ. Tuần tới, các doanh nghiệp Indonesia dự kiến ký hợp đồng trị giá 34 tỷ USD với các đối tác Mỹ.
Đổi lại, Indonesia muốn Mỹ giảm thuế ưu đãi cho hàng xuất khẩu chủ lực của họ như điện tử, dệt may và giày dép. "Chúng tôi muốn họ hạ thuế cho các mặt hàng đó xuống thấp nhất có thể", ông Susiwijono Moegiarso, quan chức cấp cao tại Bộ Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia, cho biết trên Reuters.
Indonesia cũng chào mời Mỹ đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản quan trọng, như đồng, nickel và bauxite. Đây là những tài nguyên nước này có trữ lượng lớn.
Hà Thu (theo Reuters)