Axit uric là chất thải tự nhiên mà cơ thể tạo ra sau khi phân hủy purin, có trong một số loại thực phẩm, đồ uống. Thông thường purin hòa tan trong máu, được thận lọc và đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, nồng độ axit uric quá cao có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gọi là tăng axit uric máu. Tăng axit uric máu hay nồng độ axit uric cao trong cơ thể, có thể dẫn đến viêm, đau và về lâu dài nó cũng có nguy cơ gây tổn thương ở các bộ phận khác của cơ thể. Dưới đây là 5 tình trạng sức khỏe phổ biến có liên quan đến nồng độ axit uric cao.
Gout
Một trong những tình trạng sức khỏe phổ biến do axit uric cao là bệnh gout. Bệnh xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp, gây ra cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng và đỏ. Tình trạng sưng này thường gặp ở ngón chân cái nhưng cũng có thể xuất hiện ở bàn tay. Nếu không được điều trị, gout có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần. Dù gout thường gặp ở nam giới song phụ nữ có nồng độ axit uric cao cũng có nguy cơ cao.
Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gout là chế độ ăn nhiều purin, rượu bia và béo phì. Nếu không được điều trị, các cơn gout tái phát có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn về lâu dài. Giảm axit uric bằng thuốc, bù nước và chế độ ăn uống cân bằng có thể góp phần ngăn ngừa các cơn gout bùng phát và tổn thương khớp. Người bệnh gout cũng nên giảm lượng tiêu thụ thịt đỏ, hải sản có vỏ và đồ uống có đường vì chúng có thể dẫn đến các cơn đau bùng phát.
Sỏi thận
Nồng độ axit uric cao cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Đây là những tinh thể cứng hình thành trong thận khi axit uric dư thừa không được đào thải ra khỏi cơ thể đúng cách. Các triệu chứng của sỏi thận bao gồm đau lưng hoặc hông dữ dội, tiểu ra máu và đi tiểu thường xuyên. Nếu không được phát hiện hoặc điều trị sớm, sỏi thận có thể chặn dòng nước tiểu, gây nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến các vấn đề về thận lâu dài.
Để phòng sỏi thận, mỗi người uống đủ nước, giảm lượng purin bằng cách tránh thịt, rượu bia và đồ uống có đường, đồng thời sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát nồng độ axit uric.
Bệnh thận mạn tính
Axit uric dư thừa không chỉ dẫn đến sỏi thận mà theo thời gian còn có thể gây tổn thương các mô trong thận, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính (CKD). Thận giúp lọc chất thải ra khỏi máu và đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu. Tuy nhiên, khi thận hoạt động không bình thường, độc tố sẽ tích tụ dần, bao gồm cả axit uric trong máu. Bệnh thận mạn tính có thể ít có triệu chứng điển hình ban đầu nhưng có khả năng gây ra huyết áp cao, mệt mỏi, thậm chí là suy thận trong những trường hợp nghiêm trọng.
Kiểm soát axit uric sớm thông qua thay đổi lối sống, tập thể dục, bù nước và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe thận lâu dài.
Tăng huyết áp
Nồng độ axit uric cao thường liên quan đến tăng huyết áp, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Axit uric có thể làm cứng mạch máu, tăng độ nhạy cảm với muối đồng thời kích hoạt tình trạng viêm trong cơ thể, tất cả đều làm tăng huyết áp. Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tổn thương thận. Kiểm soát huyết áp thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm lượng muối tiêu thụ có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe tim mạch tổng thể.
Tiểu đường type 2
Kháng insulin là yếu tố quan trọng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 cũng có liên quan đến nồng độ axit uric cao. Kháng insulin khiến cơ thể không thể sử dụng glucose hiệu quả để tạo năng lượng, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn.
Dù axit uric không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh tiểu đường song đây là yếu tố nguy cơ không nên bỏ qua. Duy trì lối sống lành mạnh bao gồm kiểm soát cân nặng, hoạt động thể chất và dinh dưỡng cân bằng, có thể làm giảm cả nguy cơ axit uric và bệnh tiểu đường.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Times of India)