Trả lời:
Phương pháp gây ho thực ra đã được sử dụng từ lâu, chủ yếu trong những trường hợp bệnh nhân nằm trên bàn chụp mạch vành xuất hiện nhịp tim chậm hoặc huyết áp thấp làm giảm máu lên não. Khi đó, các bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân ho để tăng áp lực lồng ngực, qua đó cải thiện lượng máu về tim và giúp duy trì ý thức trong một thời gian ngắn. Một số nghiên cứu trên tình nguyện viên khỏe mạnh từng cho thấy việc ho có thể làm tăng lượng máu về tim lên đến 700 ml.
Trong trường hợp loạn nhịp tim đột ngột (nhịp tim bất thường), phản ứng ho mạnh và liên tục giúp duy trì đủ lưu lượng máu đến não để duy trì tỉnh táo trong vài giây cho đến khi loạn nhịp tim được điều trị. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) không công nhận đây là một hình thức hồi sức tim phổi (CPR).
Thực tế, ho có thể là biện pháp tạm thời trong các bối cảnh như trong phòng thông tim can thiệp (Cathlab), khi bệnh nhân tỉnh táo và được theo dõi liên tục bằng máy monitoring ghi điện tâm đồ. Điều dưỡng hoặc bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân ho mạnh khi phát hiện rối loạn nhịp tim đột ngột (đa phần là nhịp chậm).
Tóm lại, biện pháp này không phù hợp với mọi trường hợp và không thể thay thế cho các phương pháp điều trị như dùng thuốc, sốc điện chuyển nhịp hay phá rung, đồng thời cũng không làm chậm hay thay đổi hướng xử trí chính cho người bệnh.
Việc khuyến khích hoặc hướng dẫn người không có chuyên môn áp dụng phương pháp ho này trong các khóa học hồi sức tim phổi là không phù hợp, do ngoài môi trường bệnh viện, người bị ngất hoặc mất ý thức không thể tự ho được. Cố gắng áp dụng cách này có thể làm chậm thời gian can thiệp hồi sức tim phổi kịp thời – một yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng sống sót của người bệnh.

Ảnh minh họa: Cleve land Clinic
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, cứ 10 trường hợp ngừng tim ngoài bệnh viện thì có đến 9 người không qua khỏi, nhưng thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) kịp thời sẽ giúp tăng tỷ lệ sống sót đáng kể.
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, việc đầu tiên là gọi cấp cứu để được hướng dẫn hoặc tiếp nhận hỗ trợ hồi sức. Người hỗ trợ cần giữ cho nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng, đặt hai tay đan vào nhau tại vị trí 1/3 dưới xương ức giữa ngực, sau đó ép ngực nhanh và mạnh với tần suất 100-120 lần mỗi phút, mỗi lần ép sâu khoảng 5 cm và để lồng ngực nảy lên hoàn toàn sau mỗi nhịp. Nên duy trì ép tim liên tục, hạn chế tối đa gián đoạn cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu thở trở lại hoặc nhân viên y tế xuất hiện. Nếu có nhiều người, nên thay phiên nhau ép tim mỗi 2 phút để đảm bảo hiệu quả.
Trong trường hợp chưa từng được đào tạo, việc ép tim liên tục cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu cử động hoặc đến khi đội cấp cứu đến là lựa chọn an toàn nhất. Máy khử rung tim tự động (AED), nếu có sẵn, nên sử dụng theo hướng dẫn bằng giọng nói, đồng thời vẫn tiếp tục ép tim trong khi máy sạc. Ngoài việc ép tim và sốc điện, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp khác như sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch để tối ưu khả năng cứu sống người bệnh.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội