![]() |
Tác phẩm Thiếu nữ áo dài của họa sĩ Công Quốc Hà. |
Người ta đã biết đến một Công Quốc Hà trong những năm tháng đầu tiên vẽ tranh bằng bút pháp tạo hình cá tính. Từ ngày đó đến bây giờ, đã 25 năm trong nghề, anh vẫn trung thành với những đề tài quen thuộc trên chất liệu truyền thống: sơn mài, bột màu. Các tác phẩm trong triển lãm lần này vẫn được thể hiện trên các tấm vóc sơn mài khổ lớn nhưng trong bút pháp của anh đã có chất đằm và độ sâu của những trải nghiệm.
Chiếm một phần lớn tác phẩm là tranh sơn mài về thiếu nữ. Những gương mặt thuần chất Á đông vào tranh của Công Quốc Hà ghi dấu ấn bởi những mảng màu phóng khoáng. Ưu thế của sơn mài được đôi tay tài hoa của nghệ sĩ sử dụng nhuần nhuyễn: Từ ánh sáng lấp lánh của bạc, màu trắng của vỏ trứng trên nền thẫm của then đen, đỏ son xanh lục. Những suối tóc mềm mại của thiếu nữ trải dài trên chất vóc đen óng ả, nổi bật trên đó là đường nét thanh tú của gương mặt. Bố cục tranh hài hòa với các đường nét khắc họa giàu tính ước lệ. Thiếu nữ trong cảm nhận của Công Quốc Hà giàu sự sống và bước vào tranh của anh không bao giờ bị rơi vào cảm giác đơn điệu vì họa sĩ luôn chủ tâm tạo ra vẻ đẹp quyến rũ của con người trong mối liên hệ với thiên nhiên. Thiếu nữ bên chim hay Thiếu nữ cầm quạt, với những tà áo dài mềm mại trên đường phố là các dáng vẻ khác nhau toát lên nét đẹp duyên dáng nhưng e ấp thuần chất Á đông, dân dã.
Là họa sĩ gốc Hà Nội, sống và gắn bó với từng gốc sấu, gốc me nơi đây nên thật dễ hiểu khi tranh của anh luôn mang dáng dấp hào hoa của người Tràng An thanh lịch, của những phố cổ trầm mặc. Anh thả hồn mình theo cảm xúc cho nên trong mảng tranh về phố và làng ngoại ô, anh đã làm nên khoảng không gian dàn trải và có chút gì đó hòa nhập giữa thiên nhiên và tâm linh. Ở sơn mài, thể hiện một cái gì là làm sống lại sự có mặt đã không còn hiện diện của cái đó. Và những con phố nhỏ, với gốc cây cổ thụ, mái ngói nâu đen trong tranh Công Quốc Hà cũng khiến cho người ta xao lòng nhớ về một cái gì chưa xa, cả những gì còn đang hiện hữu nhưng có nguy cơ lụi tàn.
Thạc sĩ nghệ thuật học Nguyễn Văn Cương đã nhận xét về tranh của anh: "Công Quốc Hà sáng tạo với sự hưng phấn tràn trề của cảm hứng sáng tạo và ngồn ngộn chất liệu từ đời sống. Thế giới tạo hình của hoạ sĩ không bắt nguồn từ tiềm thức, sự cô đơn của thân phận, mà bắt đầu từ chính thời khắc đang tồn tại. Nó hướng về đời sống đầy sinh lực".
Đức Anh