Tại lễ bế mạc tối 5/7, ở hạng mục Phim Việt Nam, Chị dâu được vinh danh là tác phẩm trong nước hay nhất mùa giải. Dự án cũng thắng hạng mục Kịch bản xuất sắc và Diễn viên nữ chính xuất sắc cho nghệ sĩ Việt Hương, giải phụ NETPAC (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á) cho Phim Việt Nam xuất sắc.
Phần phát biểu của Khương Ngọc khi nhận giải Phim Việt Nam hay nhất. Video: Quế Chi
Đạo diễn Khương Ngọc cho biết từng mơ một lần được nhận cúp trong nghề, và LHP châu Á Đà Nẵng (DANAFF) là giấc mơ thành hiện thực. Anh cảm ơn cộng sự, gia đình, bạn bè, khán giả và tri ân sự ủng hộ của họ.
Chị dâu khai thác chủ đề mâu thuẫn liên thế hệ trong gia đình với dàn diễn viên chính đều là nữ, xoáy vào mối quan hệ của một chị dâu (Việt Hương) và bốn em chồng (Hồng Đào, Đinh Y Nhung, Lê Khánh, Ngọc Trinh). Mỗi người một tính cách, số phận, song đều đang mắc kẹt trong bi kịch chính mình.
Trailer "Chị dâu" - dán nhãn 16+ (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi). Video: Đoàn phim cung cấp
Cùng hạng mục, danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc thuộc về Tuấn Trần. Anh cho biết bất ngờ khi được vinh danh dù trong danh sách đề cử có nhiều gương mặt tài năng như Quốc Huy, Huỳnh Lập.
Victor Vũ được vinh danh Đạo diễn xuất sắc với dự án Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu. Tác phẩm đánh dấu 20 năm anh gắn bó điện ảnh, mang màu sắc trinh thám pha kinh dị, là sở trường của Victor Vũ.

Khương Ngọc (giữa) trên sân khấu nhận danh hiệu. Anh tên thật là Huỳnh Quang Ngọc, 41 tuổi, sinh ở Nha Trang, Khánh Hòa. Diễn viên gây tiếng vang với ''Taxi'', ''Chàng trai không biết ghen'', ''Sự thật vô hình'' trước khi lấn sân đạo diễn. Hồi tháng 5, anh bấm máy dự án ''Cục vàng của ngoại'', sau ''Chị dâu''. Ảnh: Thanh Thủy
Giải đặc biệt của ban giám khảo thuộc về Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng. Tác phẩm pha trộn yếu tố huyền sử, kỳ ảo trên nền chất liệu văn hóa dân gian. Một số tình tiết được lấy ý tưởng từ các giai thoại xưa về Trạng Quỳnh, trong đó có truyện Trâu đực có chửa.
Trailer hoạt hình "Trạng Quỳnh nhí", ra rạp ngày 16/6. Video: Đoàn phim cung cấp
Diễn viên Huỳnh Kiến An - giám khảo hạng mục Phim Việt Nam - nhận định 12 tác phẩm dự thi phần lớn đạt doanh thu tốt tại rạp như Nụ hôn bạc tỷ (211 tỷ đồng), Làm giàu với ma (128 tỷ đồng). Yếu tố kinh dị chiếm ưu thế với năm dự án, phản ánh thị hiếu người xem. Tuy nhiên, các phim không chỉ theo hướng giải trí đơn thuần mà mang thông điệp về gia đình, xã hội như Chị dâu của đạo diễn Khương Ngọc, Nhà gia tiên do Huỳnh Lập đạo diễn.
Dù không có hạng mục riêng cho quay phim hay thiết kế sản xuất, yếu tố thị giác là một trong những tiêu chí quan trọng của ban giám khảo. "Các giám khảo tự do nhận xét theo góc nhìn cá nhân, song kết quả Phim Việt Nam xuất sắc có sự đồng thuận cao. Giải đặc biệt của ban giám khảo thuộc về hoạt hình, mảng còn nhiều khó khăn ở Việt Nam, là sự khích lệ cho những ai đang theo đuổi lĩnh vực này", diễn viên Kiến An nói.
Ở hạng mục Phim châu Á, Mưa trên cánh bướm do đạo diễn Dương Diệu Linh đạo diễn nhận Giải đặc biệt của ban giám khảo. Phim xen lẫn hài và kịch tính, cho thấy văn hóa, tâm linh cùng thân phận phụ nữ.
Deal at the Border (Giao dịch miền biên giới) của đạo diễn Dastan Zhapar Ryskeldi (Kyrgyzstan) thắng Phim hay nhất. Guan Hu (Trung Quốc) được vinh danh Đạo diễn xuất sắc với Black Dog. Ban giám khảo đánh giá điểm nhấn của các tác phẩm là có ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, phân tích, đưa ra góc nhìn cá nhân của đạo diễn về thế giới, xã hội.
Trailer phim ''Deal at the Border'' của đạo diễn Dastan Zhapar Ryskeldi. Video: Busanfilmfest
Năm nay, sự kiện quy tụ hơn 100 phim từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Giải thưởng gồm hai hạng mục chính là Phim Việt Nam và Phim châu Á (13 tác phẩm tranh giải).
*Danh sách giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025
Lễ bế mạc mùa giải lần thứ ba mở màn lúc 20h với ca khúc Mơ khách đường xa - nhạc phim Dế Mèn. Trong 90 phút, chương trình tập trung vào phần phát biểu của các nghệ sĩ đoạt giải, xen kẽ một số tiết mục âm nhạc. Ở hạng mục phim châu Á, ngoài đạo diễn Dương Diệu Linh lên nhận giải, các nghệ sĩ còn lại không xuất hiện do vướng lịch trình cá nhân.
Trước đó, từ 18h, nhiều nghệ sĩ như Kiến An, Chiều Xuân, vợ chồng Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp, ca sĩ Phương Mỹ Chi, các diễn viên quốc tế, dự thảm đỏ trong cơn mưa nặng hạt.
DANAFF do UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức. So với hai mùa trước, sự kiện mở rộng thời lượng từ năm lên bảy ngày (29/6-5/7), số lượng tăng mạnh - hơn 100 phim với 184 suất chiếu tại các cụm rạp và các buổi chiếu ngoài trời miễn phí.
Bên cạnh các hạng mục tranh giải chính, ban tổ chức thành lập Ban giám khảo phê bình để chọn ra tác phẩm xuất sắc trong hạng mục Toàn cảnh điện ảnh châu Á (Asian Cinema Panorama). Liên hoan có các hoạt động chuyên môn như hội thảo, tọa đàm, giao lưu nghệ sĩ, workshop Ươm mầm tài năng cho diễn viên trẻ, kết hợp tham quan di tích và danh thắng địa phương. Một số chương trình trọng điểm gồm Nửa thế kỷ phim Việt Nam, Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc.
Chương trình năm nay có sự tham dự của ông Mai Văn Chính - Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Đại Dương - Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, ông Lê Hải Bình - Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Đinh Thị Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Khách mời quốc tế có ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam.
Chi Linh