Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia leo thang thành xung đột sáng 24/7, khi binh sĩ hai bên nổ súng gần đền Ta Moan Thom đang tranh chấp. Giao tranh sau đó lan sang nhiều khu vực dọc biên giới, hai bên liên tục sử dụng hỏa lực hạng nặng tập kích lẫn nhau khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Malaysia, nước chủ tịch ASEAN 2025, đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai quốc gia thành viên ngay từ đầu, khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim điện đàm với lãnh đạo Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, tình hình đến ngày 26/7 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết Thái Lan ban đầu chấp thuận một lệnh ngừng bắn do Malaysia đề xuất, nhưng Bangkok sau đó đã đảo ngược lập trường. Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa thì tuyên bố cuộc xung đột này "không cần phải có sự trung gian từ bên thứ ba".
Nguồn thạo tin nói Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định can thiệp vào xung đột giữa Thái Lan và Campuchia ngày 26/7, sau khi cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một ngày trước đó không thể ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khuôn viên Nhà Trắng ngày 27/7. Ảnh: AFP
Nỗ lực làm trung gian hòa giải của ông Trump bắt đầu bằng cuộc gọi với ông Hun Manet. Tổng thống Mỹ đã đăng loạt bài thông báo lên Truth Social về các cuộc gọi "ngoại giao mạng xã hội", như từng làm để dập lửa xung đột Israel - Iran hồi tháng 6.
"Tôi vừa nói chuyện với Thủ tướng Campuchia về chấm dứt chiến tranh với Thái Lan. Tôi sắp gọi điện cho quyền Thủ tướng Thái Lan để đề xuất lệnh ngừng bắn, chấm dứt cuộc chiến. Tình cờ là chúng tôi đang đàm phán thương mại với cả hai nước, nhưng chúng tôi sẽ không tiếp tục làm điều đó nếu họ còn giao tranh", ông Trump viết lúc 22h28 giờ Bangkok ngày 26/7. Ông dùng từ "chiến tranh", trong khi cả Thái Lan và Campuchia đều mô tả đây là "xung đột" và hai bên chưa chính thức tuyên chiến.
11 phút sau, ông Trump cập nhật nội dung trao đổi với quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai, cho hay Bangkok cũng muốn ngừng bắn và hòa bình. "Tôi sẽ chuyển thông điệp đến phía Campuchia ngay bây giờ. Ngừng bắn, hòa bình và thịnh vượng đều sẽ là kết quả hiển nhiên. Chúng ta sẽ sớm biết thôi", ông chủ Nhà Trắng viết.
23h23, ông Trump đăng cập nhật lần ba, cho biết lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đã nhất trí gặp mặt nhằm "đạt được thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình ngay lập tức". Ông không quên nhắc lại vấn đề đàm phán thương mại như một công cụ để tăng thêm áp lực.
"Họ cũng mong muốn quay trở lại bàn đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng chúng tôi cho rằng thời điểm này không phù hợp cho đến khi giao tranh chấm dứt", ông viết.
Tổng thống Mỹ bày tỏ "vinh dự khi được hợp tác với cả hai quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời. Hy vọng hai nước sẽ hòa hợp với nhau trong nhiều năm tới. Khi mọi việc hoàn tất và hòa bình ở trong tầm tay, tôi trông đợi sẽ hoàn tất đàm phán thương mại với cả hai quốc gia".
Thông điệp "vừa răn đe vừa thuyết phục" của Tổng thống Mỹ nhận được phản hồi tích cực. 2h ngày 27/7, Thủ tướng Hun Manet đăng bài trên Facebook thông báo về cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, tuyên bố Campuchia mong muốn có "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và hòa bình giữa hai quốc gia".
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham cùng ngày cho biết ông đã nói với ông Trump rằng Thái Lan đồng ý về nguyên tắc với một lệnh ngừng bắn. Ông đề nghị Tổng thống Mỹ thông báo với Campuchia rằng các cuộc đàm phán nên được tiến hành càng sớm càng tốt và "muốn thấy thiện chí thực sự từ phía Campuchia".
Giới quan sát cho hay thương mại cũng là một trong những "vũ khí" mà ông Trump từng sử dụng để thúc đẩy Ấn Độ - Pakistan chấp thuận đàm phán chấm dứt cuộc xung đột biên giới hồi tháng 5. Ông chủ Nhà Trắng ngày 2/4 công bố bảng thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ trên thế giới, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, trước khi tạm hoãn thực thi 90 ngày để các bên đàm phán với Washington.
Mỹ ban đầu áp thuế suất 36% với hàng hóa Thái Lan, 49% với hàng hóa Campuchia. Ông Trump đầu tháng 7 gửi thư thông báo mức thuế đối ứng mới, trong đó Thái Lan và Campuchia đều chịu mức 36%, có hiệu lực từ ngày 1/8. Đây là mức thuế cao và hai nước đều nỗ lực đàm phán với Mỹ để giảm bớt trước khi chúng có hiệu lực.
Nation Thailand cho biết áp lực của ông Trump xuất hiện vào thời điểm then chốt với Thái Lan, bởi nước này vừa trình đề xuất về thuế quan với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuần trước và "đang tràn đầy hy vọng về một thỏa thuận thương mại trước hạn chót 1/8".
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira trước đó hy vọng mức thuế mà Bangkok phải chịu có thể được điều chỉnh phù hợp với các nước ASEAN còn lại. Ông tiếp tục bày tỏ thông điệp này trên mạng xã hội ngày 27/7.
Nguồn tin từ chính phủ Thái Lan xác nhận đội ngũ đàm phán thương mại của Washington đã nhận lệnh đình chỉ mọi cuộc thương thảo với cả Bangkok và Phnom Penh, cho đến khi hai bên đạt lệnh ngừng bắn, cho thấy Tổng thống Mỹ không cảnh báo suông.
"Thái Lan có thể phải tạm thời chấp nhận thuế suất 36% cho đến khi cuộc xung đột ở biên giới được giải quyết", nguồn tin nói.

Thái Lan triển khai thiết giáp đến tỉnh Buri Ram ngày 25/7. Ảnh: AFP
Trong cuộc đàm phán hôm nay, ngoài phái đoàn của Campuchia và Thái Lan, hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc cũng cử đại diện tham dự. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết các quan chức nước này đang có mặt ở Malaysia để hỗ trợ hòa đàm, trong khi Trung Quốc cũng cử phái đoàn tham gia.
Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở Mỹ, nhận định ông Trump có thể giúp đẩy nhanh đàm phán ngừng bắn là điều tốt, nhưng cũng cảnh báo về hệ lụy tiềm ẩn.
"Cả Campuchia và Thái Lan đều sẽ không hài lòng khi thương mại bị 'vũ khí hóa' để đạt mục tiêu chính trị. Và nếu đạt lệnh ngừng bắn nhưng một trong hai nước, hoặc cả hai, vẫn không có được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót 1/8, họ rất có thể sẽ coi đó là hành động bội ước", ông Poling nói với Reuters.
Như Tâm (Theo Washington Examiner, Reuters)