Trên thế giới, ước tính có đến 1% dân số mắc chứng tự kỷ (ASD). Tại Mỹ, cứ 44 trẻ em nước này sẽ có một bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), theo Mạng lưới Giám sát tự kỷ và chậm phát triển của CDC (Mỹ).
Tuy gần đây Việt Nam chưa có nghiên cứu số lượng chính thức nhưng năm 2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thống kê có khoảng 200.000 người Việt mắc chứng này. Đến năm 2019, các chuyên gia ước tính con số này đã rơi vào khoảng 1 triệu, kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng.
Trẻ mắc ASD có thể tiếp nhận can thiệp sớm từ 2 hoặc 3 tuổi. Đây là giai đoạn não bộ của trẻ vẫn đang trong quá trình hình thành, tức "dẻo" và dễ thay đổi hơn sau này. Theo nhiều nghiên cứu, việc phát hiện và can thiệp sớm có nhiều khả năng tác động tích cực, hiệu quả lâu dài đến các triệu chứng và kỹ năng sau này hơn.
Hơn hết, tự kỷ không làm thay đổi ngoại hình, thay vào đó, cách giao tiếp và liên hệ với thế giới xung quanh của trẻ bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, cha mẹ nên để ý các dấu hiệu sau để nắm bắt kịp thời tình trạng của con:
Từ chối giao tiếp bằng mắt
Trẻ sơ sinh thường giao tiếp bằng mắt với người khác từ khi còn rất nhỏ. Đến hai tháng tuổi, trẻ có thể xác định vị trí khuôn mặt và giao tiếp bằng mắt một cách thuần thục. Giao tiếp bằng mắt sau này trở thành một cách xây dựng các mối quan hệ xã hội và thu thập thông tin về môi trường xung quanh.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ sẽ có biểu hiện bắt đầu ít giao tiếp bằng mắt hơn vào khoảng hai tháng tuổi. Sự suy giảm kỹ năng này có thể là dấu hiệu ban đầu của ASD.

Từ chối giao tiếp bằng mắt là dấu hiệu thường thấy ở trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa: Master1305/Freepik
Ít chỉ tay hoặc cử chỉ nhỏ
Trẻ sơ sinh thường học cử chỉ trước khi học nói. Trên thực tế, đây là một trong những hình thức giao tiếp sớm nhất. Trẻ tự kỷ nói chung chỉ và cử chỉ ít hơn nhiều so với đối tượng không mắc. Đôi khi, việc này có thể cho thấy khả năng chậm phát triển ngôn ngữ.
Một cảnh báo khác về sự khác biệt trong quá trình phát triển là ánh mắt của trẻ sơ sinh không nhìn theo khi người xung quanh đang chỉ vào một thứ gì đó. Kỹ năng này đôi khi được gọi là "joint attention" (tam giác giao tiếp giữa trẻ, người và vật) - điều thường bị giảm ở trẻ tự kỷ.
Hiếm hoặc không phản hồi khi được gọi tên
Theo CDC (Mỹ), ở tháng thứ 6, hầu hết trẻ sơ sinh đã có cảm xúc xã hội, phản hồi bằng cách tạo ra âm thanh, đáp lại cảm xúc... và đặc biệt, có thể nhận thức về tên riêng của mình, nhất là khi được mẹ gọi. Tuy nhiên, với người có sự khác biệt về phát triển thần kinh như tự kỷ, nhiều trẻ vẫn không định hướng được tên riêng khi đến tháng thứ 9.
Ít biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt
Biểu hiện trên khuôn mặt là một cách truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc không lời. Tuy, các nghiên cứu về biểu hiện cảm xúc ở trẻ tự kỷ còn hạn chế nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra người mắc ASD biểu hiện cảm xúc qua gương mặt ít hơn so với trẻ phát triển tự nhiên. Điều này không nhất thiết có nghĩa là trẻ tự kỷ cảm thấy ít cảm xúc hơn, chỉ là khuôn mặt không thể hiện điều đó.
Ngôn ngữ hoặc lời nói bị trì hoãn
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bắt đầu phát triển khả năng nói. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Bệnh viện Nhi đồng Boston và một số trường đại học khác, khi 12 tháng tuổi, người mắc tự kỷ thường nói và hiểu ít từ hơn so với những trẻ khác. Nếu một đứa trẻ không nói những từ đơn lẻ khi được 16 tháng tuổi hoặc không sử dụng các cụm gồm hai từ khi được 2 tuổi, cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để nhận chẩn đoán chính xác, kịp thời.

Bước sang tháng thứ 12, người mắc tự kỷ thường nói và hiểu ít từ hơn so với những trẻ khác. Ảnh minh họa: iulianvalentin
Mất khả năng đã học được
Khi trẻ sơ sinh hay mới biết đi đánh mất các kỹ năng và khả năng đã bắt đầu phát triển, đó có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ. Theo nghiên cứu từ Đại học King Saud và Bệnh viện Đại học King Khalid (Ả Rập Xê Út), có tới một phần ba trẻ tự kỷ bị mất kỹ năng trong khoảng thời gian trước khi học mẫu giáo và 94% trong số đó là kỹ năng ngôn ngữ. Nếu trẻ đã nói bập bẹ, giao tiếp bằng mắt, cử chỉ và thể hiện các hành vi xã hội khác nhưng ngừng làm như vậy khi mới biết đi, cha mẹ nên thảo luận với bác sĩ nhi khoa.
Tuy nhiên, tự kỷ được coi là một tình trạng "phổ", tức các nguyên nhân, triệu chứng và khả năng mắc rất khác nhau. Do đó, cha mẹ có thể tham khảo bác sĩ hoặc một số giải pháp uy tín khác để xác định sớm cho trẻ.
Tại Việt Nam, ứng dụng A365 (viết tắt của Ability 365) cung cấp các bộ công cụ tầm soát sự phát triển của trẻ và sàng lọc khả năng tự kỷ miễn phí, gồm: ASQ-3 (sàng lọc phát triển tổng thể) và M-CHAT-R và M-CHAT-R/F (sàng lọc nguy cơ tự kỷ). Hai bộ công cụ bản điện tử trên ứng dụng đã được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt và ban hành trong Bộ công cụ phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ để triển khai trên toàn quốc. Theo đó, người dùng có thể theo dõi phát triển cho con ngay tại nhà, phát hiện điểm mạnh cũng như các lĩnh vực trẻ cần hỗ trợ và đưa ra cách xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, ứng dụng này còn hỗ trợ người chăm sóc xây dựng chương trình can thiệp cho trẻ trên 8 lĩnh vực phát triển, gồm: học tập, chơi đùa, giao tiếp, tự chăm sóc bản thân - làm việc nhà, tham gia hoạt động cộng đồng, xây dựng mối quan hệ xã hội, vận động thể thao và hiểu cảm xúc - điều tiết hành vi. Theo đó, hệ thống đã xây dựng được gần 200 video hướng dẫn can thiệp trực quan với từ ngữ mô tả dễ hiểu và thân thiện.
Giao diện của A365 cũng được thiết kế khoa học nhằm đảm bảo người chăm sóc trẻ (cha mẹ, giáo viên, cán bộ y tế) có thể dễ dàng thực hiện. Mỗi bộ câu hỏi được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, có hình minh họa và ví dụ (tùy từng câu hỏi).
Tổng quan về chương trình hướng dẫn bố mẹ can thiệp của A365. Video: A365
A365 được phát triển trong dự án "Ứng dụng phần mềm thông minh trong phát hiện và chăm sóc trẻ tự kỷ", do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN) và các chuyên gia trong nước và quốc tế phối hợp thực hiện.
Chia sẻ về định hướng phát triển A365 trong tương lai, bà Trần Phương Nhung (Điều phối dự án) cho biết đơn vị muốn đưa ứng dụng vào các khóa học E-learning. Trong thời gian vừa qua, đội ngũ A365 đã xây dựng khóa học E-learning, thí điểm trên nền tảng học trực tuyến và nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh. Vì vậy, sắp tới A365 dự kiến sẽ xây dựng thêm các khóa học E-learning nhằm giúp phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ, cũng như chuyển đổi sang các video hướng dẫn can thiệp cho trẻ một cách nhanh chóng trên cùng một thiết bị điện tử.
Theo đó, phụ huynh và giáo viên không phải lặp lại chính xác giống như trong video hướng dẫn sẵn có hiện nay, thay vào đó, có thể thay đổi tùy theo các khó khăn của trẻ trên 8 lĩnh vực can thiệp miễn phí.
"Với việc xây dựng một kho video hướng dẫn can thiệp và các bài giảng e-learning, A365 kỳ vọng có thể giúp bố mẹ kết hợp sử dụng ứng dụng điện tử vào quá trình chăm sóc và can thiệp, nâng cao khả năng tiến bộ của trẻ", bà nói thêm.
Nhật Lệ