Thứ tư, 23/7/2025, 00:00 (GMT+7)

Ảnh khắc họa Sài Gòn - Chợ Lớn 100 năm trước

Cảnh bến Bạch Đằng tấp nập tàu bè, xe kéo trên đường Bonard (Lê Lợi) được ghi lại qua ống kính nhiếp ảnh gia đầu thế kỷ 20.

Khung cảnh người dân đi lại trên đường Tôn Đức Thắng đầu thế kỷ 20. Năm 1865, người Pháp đặt tên đường này là Boulevard de la Citadelle. Bấy giờ, phương tiện chủ yếu là xe tay (còn gọi là xe kéo), khắp Sài Gòn có khoảng 400 chiếc. Bức hình được giới thiệu trong cuốn Di sản Sài Gòn - TP HCM, do tác giả Nguyễn Hạnh làm chủ biên tập, Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM ra mắt gần đây.

Người lao động sinh hoạt, nghỉ ngơi ở một góc đường Tôn Đức Thắng.

Đường Lê Lợi thuộc loại cổ xưa, tiêu biểu nhất của thành phố. Ban đầu, nơi đây chỉ là một con kênh dài khoảng 0,8 km, được đào vào những năm 1861-1862. Con đường dọc bờ kênh mang tên đường số 13, năm 1865 được đổi thành đường Bonard.

Lê Lợi còn là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn xưa là nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh của loạt thương hiệu lớn.

Đường Lê Duẩn được hình thành từ những năm 1870, ban đầu mang tên Boulevard Norodom vì dẫn tới Dinh Norodom (Dinh Độc Lập). Quanh con đường gần 2 km này có nhiều công trình lâu đời nhất của thành phố, như Nhà thờ Đức Bà, trại lính Onzième (trại Ông Dèm), Thảo Cầm Viên.

Đường Hồ Tùng Mậu ban đầu được gọi là đường Adran, sau đó đổi tên là Georges Guynemer.

Người lao động ở Chợ Lớn đầu thế kỷ 20. Đến năm 1865, Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn là hai thành phố riêng biệt, cách nhau bởi một số làng, ruộng sình lầy. Người Pháp xây dựng một con đường qua vùng ruộng đó, đường từ phía Chợ Lớn được đặt tên là Rue des Marins (đường Thủy binh).

Năm 1916, hai thành phố được nối liền bởi đại lộ Galliéni. Ban đầu, đường còn rải đá ong, sau đó tráng nhựa, ở giữa có một hàng đèn điện, hai bên có đường ray tàu điện.

Người dân buôn bán trên Chà Và - cây cầu có bề dày lịch sử hơn 100 năm, nối quận 5 với quận 8, bắc qua kênh Tàu Hủ. Vùng gần cầu là phố chợ của người Ấn Độ chuyên bán vải. Theo tác giả Nguyễn Hạnh, người Pháp ban đầu đặt tên cầu là Malabar - một vùng ven biển ở phía Tây Ấn Độ có nhiều người di cư tới Sài Gòn.

Bến Bạch Đằng bên sông Sài Gòn. Khu vực nằm trên đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông, kéo dài từ cầu Khánh Hội đến nhà máy Ba Son. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, Bạch Đằng gắn liền lịch sử ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, nên được đặt tên cho địa điểm để tưởng nhớ chiến tích hào hùng của quân dân Đại Việt.

Cảnh trên bến dưới thuyền trên sông Sài Gòn. Đoạn giữa bến là tượng đài Trần Hưng Đạo, nằm ở công trường Mê Linh hình bán nguyệt, nơi giao thoa sáu tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Phan Văn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp và Ngô Đức Kế. Thời Pháp thuộc, công trường này tên gọi là Rigault de Genouilly - tên đô đốc thủy quân người Pháp, từng là Thống đốc Nam Kỳ.

Mai Nhật
Ảnh: NXB cung cấp