"Nói về câu chuyện thu gom rác cồng kềnh đang gây tranh cãi, tôi xin chia sẻ quy trình xử lý tại thành phố ở Đức nơi tôi đang sinh sống:
1. Về rác nội thất: khi có nhu cầu vứt những đồ nội thất cũ như sofa, giường, tủ, bàn, ghế... tôi sẽ gọi cho chính quyền thành phố để nêu yêu cầu và hỏi rõ xem ngày nào sẽ có xe rác đi gom rác nội thất qua khu vực mình ở. Ví dụ, nếu họ nói thứ hai tuần sau sẽ tới thu gom, thì ngay từ thứ sáu đến chủ nhật tuần trước đó, tôi đã khiêng đồ muốn vứt bỏ ra chất đống gần lề đường trước nhà mình.
Tất nhiên tôi phải tránh lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ. Ngoài ra, tôi cũng không được phép để nội thất cũ trước nhà quá lâu, gây mất mỹ quan thành phố, nếu không cảnh sát sẽ tới xử phạt ngay. Đến ngày hẹn, xe vận chuyển cỡ lớn sẽ đến thu gom rác cồng kềnh miễn phí. Người dân chúng tôi không phải trả bất cứ một khoản phí phát sinh nào vì tất cả những món nội thất cũ (vẫn dùng được) này sẽ được thành phố chỉnh sửa lại và đem làm từ thiện.
Ngoài ra, về quy định, chỉ các đồ đạc nội thất cỡ lớn, không thể tháo rời mới gọi là rác thải cồng kềnh và thu gom theo lịch riêng. Còn lại, với những món đồ có thể tháo rời được, tôi chỉ cần khiêng từng mảnh nhỏ ra để trước cửa nhà và gọi điện cho đơn vị tới thu gom là xong, rất nhanh chóng và tiện lợi"
2. Về rác sinh hoạt: Ở đây người ta phân rất rõ lịch lấy rác là thứ hai và thứ sáu hàng tuần. Ví dụ, tuần này thứ hai sẽ thu gom rác nilon, thứ sáu thu gom rác nhà bếp; đến tuần sau lại có lịch thu gom rác giấy, bìa, còn thứ 6 sẽ thu gom rác khó phân hủy... Cứ như vậy, người dân phải nhớ lịch để trước hôm thành phố đi thu gom rác sẽ đẩy thùng rác cá nhân ra trước nhà mình, để sẵn đó cho công nhân vệ sinh chỉ việc tới thu gom. Nếu mang rác thải không đúng quy định, nhân viên thu gom sẽ từ chối lấy rác của bạn.
3. Về việc thu phí rác thải, mọi quy trình đều được tiến hành tự động, ngân hàng sẽ tự trừ khoản tiền phí trong tài khoản tự động của các gia đình. Chi tiết trả mỗi quý bao nhiêu sẽ được thành phố gửi thư cho mỗi hộ vào đầu năm".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala về quy trình thu gom và xử lý rác thải tại Đức sau những bất cập được chia sẻ ở bài viết "300.000 đồng thuê người vứt bộ sofa vì nhân viên thu gom từ chối rác cồng kềnh". Cụ thể, tác giả Vũ Thị Minh Huyền bày tỏ trăn trở khi muốn vứt bỏ chiếc sofa cũ vì bị nhân viên vệ sinh từ chối với lý do quá cồng kềnh. Đồng thời, người viết cũng đặt dấu hỏi về giờ thu gom cũng như hình thức thanh toán phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chưa thuận tiện.
>> Ở tuổi 50, tôi vẫn tiện tay vứt pin vào túi rác
Trong khi đó, kể cách thu gom rác tại Mỹ, bạn đọc Draml bình luận: "Tôi xin kể lại kinh nghiệm nước ngoài về xử lý rác thải cồng kềnh. Tại mọi thành phố ở những quốc gia châu Âu hay Mỹ đều có một ngày thu gom rác kích thước lớn trong năm. Trong ngày này, mọi người có thể để bất cứ thứ đồ gì muốn vứt đi ra vỉa hè, dù lớn đến đâu cũng được. Sau đó, thành phố sẽ điều xe rác đi thu gom cả ngày trên khắp các khu phố.
Ai cần vứt những bộ sofa đồ sộ hay những tủ, giường quá khổ hầu như đều chờ tới những ngày này. Còn nếu bạn muốn vứt bỏ ngay vào những ngày khác trong năm thì sẽ phải tự bỏ tiền thuê xe dịch vụ chở món đồ đó đến những chỗ xử lý rác, và chi phí đương nhiên rất đắt đỏ. Nhiều người tới Mỹ du lịch, trùng vào ngày thu gom rác lớn trong năm hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đồ đạc cũ được người dân chất đầy đường".
Còn tại quốc gia châu Á như Nhật, chuyện thu gom rác thải cồng kềnh cũng được xử lý như lời kể của độc giả Umbala: "Về cơ bản, các gia đình ở Nhật cũng để rác phía trước nhà (nơi xe rác đi qua, dễ lấy). Nơi nào tổ dân phố (hoặc chủ khu nhà cho thuê) thấy không mỹ quan thì họ sẽ tổ chức đặt một thùng rác thật to, để mọi người trong khu cùng bỏ rác của mình vào đó, xe rác đi gom cũng dễ hơn.
Với các loại rác kích thước lớn, cồng kềnh (chiều dài trên 45 cm) thì công ty vệ sinh sẽ nhất quyết không thu gom chung với rác sinh hoạt. Lúc đó, bạn sẽ cần phải trả thêm tiền dịch vụ, liên hệ trực tiếp với công ty gom rác để thỏa thuận, hoặc tự mình chở món đồ muốn vứt tới nơi thu gom rác lớn của khu vực.
Về cách thức thu tiền rác thải, ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại Nhật, người ta sẽ bán các loại tem vứt rác (tùy vào thể tích túi rác có các loại tem khác nhau), hoặc bán luôn cái túi để bạn thu gom rác (ở bên này phân loại rác cho nên túi sẽ có màu khác nhau, trên đó in ấn rõ ràng để phân biệt với túi thường).
Với rác to, bạn sẽ phải dán tem tương ứng (phải mua với số tiền tương đương món đồ cần vứt), và phải lên trang web hoặc gọi điện hẹn trước với công ty thu gom rác, kê khai rõ món đồ đó là gì, kích thước bao nhiêu, vứt vào ngày nào...? Số tiền phí cũng sẽ được hiển thị rõ ràng để người dân nắm rõ và đóng đầy đủ. Muốn vứt một cái sofa cũ, bạn cũng phải mất phí khoảng 200.000 đồng".
- Ác mộng xả rác ngày Tết
- Tôi đi siêu thị ở Đức không được cho túi nilon
- Tôi phát điên vì hàng xóm lén vứt rác trước cửa nhà mình
- Lãng phí công sức phân loại rác tại nhà
- 'Vứt rác đấy khắc sẽ có người dọn'
- 10 loại rác tôi phải phân loại ở Đức