Thông tin này được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng vốn đăng ký cấp mới, có 1.988 dự án đầu tư với gần 9,3 tỷ USD, giảm gần 10% lượng vốn so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến dẫn đầu về vốn đăng ký với gần 5,1 tỷ USD, chiếm hơn 54%.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút gần 2,3 tỷ USD vốn đăng ký mới, chiếm 24% tổng vốn đầu tư. Cộng cả vốn điều chỉnh, các nhà đầu tư ngoại rót hơn 4,8 tỷ USD vào bất động sản, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về đối tác, Singapore tiếp tục dẫn đầu với hơn 2,4 tỷ USD, chiếm gần 26% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là Trung Quốc, Thụy Điển và Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách mở cửa nhất quán và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, cho biết ba bộ luật Đất Đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực từ 1/8/2024 đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư, giúp việc tiếp cận đất đai thuận lợi hơn.
Cùng đó, yếu tố hạ tầng cũng thu hút làn sóng FDI đổ vào thị trường bất động sản. Bà An cho hay nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các tuyến vành đai tại Hà Nội, TP HCM đang thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sang vùng ven. Nhiều doanh nghiệp ngoại tích cực mở rộng đầu tư ra thị trường vệ tinh, nơi quỹ đất còn dồi dào, hạ tầng kỹ thuật - giao thông được đầu tư mạnh mẽ.

Bất động sản trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội, cho hay Việt Nam đang mở rộng, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước, giúp nâng sức hút của thị trường, gồm cả lĩnh vực bất động sản, với doanh nghiệp ngoại.
Theo bà, thị trường toàn cầu đang được dẫn dắt bởi nhiều phân khúc mới nổi như trung tâm dữ liệu cùng mô hình hợp tác linh hoạt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chiếm ưu thế trong việc thu hút nhà đầu tư trung tâm dữ liệu nhờ vị trí địa lý chiến lược, chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ. Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ đầu năm 2025 với những quy định linh hoạt, cởi mở hơn sẽ tạo thuận lợi cho thị trường này phát triển, thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Trước lo ngại dòng vốn ngoại vào bất động sản có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, các chuyên gia cho rằng trong khó khăn luôn tiềm ẩn cơ hội, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thích ứng linh hoạt và chuẩn bị ứng phó với mọi thay đổi. Bài học từ đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp thận trọng hơn trong quản lý tồn kho và kiểm soát sản lượng nhằm tránh gián đoạn đơn hàng khi chi phí logistics tăng vọt.
Theo bà Nguyễn Lê Dung, dù có thể gặp biến động ngắn hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Ba động lực chính sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại vào bất động sản trong nửa cuối năm nay gồm khung pháp lý hoàn thiện, chiến lược ngoại giao kinh tế chủ động và tiềm năng phát triển phân khúc mới.
Ngọc Diễm