Theo thông báo sáng 25/7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh duy nhất giành huy chương vàng là Nguyễn Thế Quân, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
Bốn huy chương bạc thuộc về Lý Bá Khôi, Trương Đức Dũng (cùng học trường chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Công Vinh (chuyên Bắc Ninh) và Trần Lê Thiện Nhân (chuyên Quốc học Huế).
Cả 5 đều đang học lớp 12.
Kết quả trên đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia dẫn đầu IPhO 2025. Năm ngoái, Việt Nam giành hai huy chương vàng, đứng thứ tư sau Trung Quốc (5), Nga (4) và Romania (3).

Từ trái sang: PGS.TS Đặng Đức Vượng, Phó Trưởng đoàn; các học sinh Nguyễn Công Vinh, Nguyễn Thế Quân, Trương Đức Dũng, Lý Bá Khôi, Trần Lê Thiện Nhân, PGS.TS Đỗ Danh Bích, Trưởng đoàn. Ảnh: MOET
Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) lần thứ 55 được tổ chức tại Pháp từ ngày 17 đến 25/7, với hơn 400 thí sinh từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thí sinh thi hai ngày, một ngày thi lý thuyết và một ngày thí nghiệm. Mỗi ngày thi trong 5 giờ.
Bộ cho biết các bài thi lý thuyết thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa Vật lý hiện đại và các hiện tượng thực tiễn gần gũi, từ cấu trúc nguyên tử hydro đến cấu trúc thiên hà, từ dao động của nam châm đến sự hình thành hố thiên thạch. Bài về sự tạo bọt khí trong ly champagne liên quan áp suất, âm học, lực ma sát nhớt, được đánh giá là điểm nhấn văn hóa, đưa ẩm thực Pháp vào đề thi IPhO.
Với phần thực hành, đề thi gồm hai bài, yêu cầu tư duy tổng hợp và kỹ năng đo đạc chính xác, trong đó một bài liên quan đến "hạ cánh và di chuyển an toàn, tránh sa lầy vào những cồn cát trên bề mặt sao Hỏa của tàu thám hiểu". Bài còn lại sử dụng cân Gouy để đo momen từ - được cho rằng là lời gợi nhắc về nhà Vật lý người Pháp Louis Georges Gouy với nhiều đóng góp trong nghiên cứu từ và quang học, từ đó tri ân di sản khoa học Pháp tại kỳ thi quốc tế trên quê hương ông.
Lễ bế mạc IPhO diễn ra lúc 21h tối nay, giờ Hà Nội.
Việt Nam dự IPhO từ năm 1981, đến nay giành tổng 45 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 49 huy chương đồng và 18 bằng khen.
Thanh Hằng