Chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tháng 6 tại 1.376 điểm, tăng 110 điểm, tương đương 8,6% so với đầu năm. Đây là vùng giá cao nhất của chỉ số kể từ 4/2022. Trong 6 tháng đầu năm, chứng khoán trải qua nhịp điều chỉnh mạnh và đột ngột vào đầu tháng 4 do thông báo áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thị trường sau đó hồi phục mạnh nhờ những hành động giảm thiểu tác động của thuế quan từ Chính phủ.
Tuy nhiên, diễn biến của các quỹ mở cổ phiếu không diễn ra đồng thuận. Nhiều quỹ, trong đó có cả đại diện thuộc các công ty quản lý quỹ danh tiếng, vẫn diễn biến kém khả quan cho đến cuối tháng 6. Theo dữ liệu từ nền tảng giao dịch chứng chỉ quỹ Fmarket, thị trường có 14 quỹ mở ghi nhận hiệu suất âm.

Nhà đầu tư đang quan sát thị trường trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương
VDEF của VinaCapital là quỹ có hiệu suất kém nhất khi giảm 5,49% trong 6 tháng. Theo sau là NTPPF của NTP AM với mức giảm 4,66%. Xếp thứ ba về hiệu suất kém là quỹ GFM-VIF của GFM, sụt 3,44% so với đầu năm. Ngoài ra, danh sách quỹ mở cổ phiếu có hiệu suất âm còn gồm các sản phẩm đầu tư khác của VinaCapital, IPAAM, Bảo Việt Fund, SSIAM, Manulife IM, VCBF và OUBAM.
Bên cạnh đó, thị trường cũng có 9 quỹ mở không âm điểm nhưng lại thua mức tăng trung bình của thị trường. Nhóm này gồm đại diện của các đơn vị như SSIAM, VCBF, Dragon Capital, SGI Capital, Mirae Asset...
Ở chiều ngược lại, chỉ có 4 quỹ mở cổ phiếu lãi vượt VN-Index. Dẫn đầu là BMFF và MBVF với hiệu suất lần lượt 11,15% và 9,67%. Đây đều là các sản phẩm đầu tư do MB Capital quản lý, có lợi nhuận kỳ vọng tối đa 15-20% mỗi năm với mức an toàn trung bình. BMFF đang quản lý 267 tỷ đồng, còn MBVF khoảng 166 tỷ đồng.
Hai quỹ còn lại là DCDS của Dragon Capital và BVFED của Bảo Việt Fund. Cả hai có hiệu suất lần lượt là 8,89% và 8,67% trong nửa đầu năm, không quá cách biệt với thị trường chung.
Trả lời VnExpress, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán của Dragon Capital, nói nhiều quỹ mở có hiệu suất thấp hơn so với VN-Index trong nửa đầu năm do một số cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong quỹ giảm điểm hoặc tăng ít, khiến hiệu quả chung bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, các mã thuộc họ Vingroup như VIC và VHM, chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 6% và 5% trong VN-Index, lại tăng mạnh, với VIC tăng đến 135% và VHM tăng 91,8%, góp phần giúp chỉ số chung đạt mức tăng tốt.
Thực tế theo thống kê của VnExpress dựa trên báo cáo các quỹ gần nhất vào cuối tháng 5, danh mục nhóm có hiệu suất thấp hơn VN-Index đa phần tập hợp các mã diễn biến tiêu cực hoặc đi ngang trong nửa đầu năm. 12 quỹ chọn FPT vào nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của họ dù mã này giảm gần 22%. 15 quỹ nắm giữ tỷ trọng lớn MBB dù cổ phiếu của Ngân hàng MB chỉ nhích thêm 2,8% so với đầu năm. HPG cũng là mã được 10 quỹ có hiệu suất dưới VN-Index ưa thích dù điều chỉnh gần 15% trong 6 tháng.
Trong khi đó, 4 quỹ tăng mạnh hơn VN-Index lại có danh mục gồm nhiều cổ phiếu tích cực hơn. TCB dẫn đầu tỷ trọng của hai quỹ BMFF và MBVF, đồng thời góp mặt trong nhóm dẫn đầu danh mục của DCDS và BVFED. Cổ phiếu của Techcombank đã tăng khoảng 38% trong nửa đầu năm nay.
Ông Tuấn cũng lý giải hiệu suất của quỹ đến từ Dragon Capital có được nhờ vào việc nắm giữ tỷ trọng cao những cổ phiếu tăng tốt như TCB (38%) hay STB (26%). Thêm vào đó, quỹ còn mua kịp thời các cổ phiếu VIC và VHM ở mức giá hấp dẫn, đồng thời linh hoạt tăng tỷ trọng tiền mặt trước ngày thị trường giảm mạnh, nhờ đó đã giúp giảm thiệt hại và chủ động tích lũy nhiều cổ phiếu giá tốt trong đợt điều chỉnh.
Dù có hiệu suất tốt hay kém, nhìn chung trong danh mục đầu tư của các quỹ mở, cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với tỷ lệ trung bình trên 31%. Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), giải thích tùy theo chiến lược riêng, các quỹ đầu tư cổ phiếu sẽ có chỉ số lợi nhuận tham chiếu tương ứng nhất định (VN-Index, VN100, VN30, VN70). Vì vậy, tỷ trọng các nhóm ngành trong quỹ sẽ phản ánh sự tương đồng với tỷ trọng của nhóm ngành đó trong chỉ số lợi nhuận tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn giữ tỷ trọng rất cao trong gần như tất cả bộ chỉ số chứng khoán của Việt Nam từ VN70 đến VN-Index (25-40%), vì vậy việc nhóm cổ phiếu này chiếm tỷ trọng lớn trong các quỹ đầu tư là điều thường thấy. Bên cạnh đó, xét về các yếu tố cơ bản, cổ phiếu ngân hàng vẫn là những mã có tiềm năng tăng trưởng cao cùng nền kinh tế khi đây vẫn là kênh dẫn vốn chính. Khi kinh tế tăng trưởng, ngân hàng gần như là ngành đầu tiên được hưởng lợi. Thêm vào đó, chỉ số định giá hiện tại của một số nhà băng vẫn còn tương đối rẻ, có thể là động lực giúp tăng hiệu suất đầu tư của các quỹ trong thời gian tới.
Hiện tại, chứng khoán đang tiến lên vùng đỉnh mới của năm, duy trì xu hướng tăng trưởng khá ổn định dài hạn. Nhờ vậy, hiệu suất của các quỹ mở đã cải thiện hơn so với giai đoạn khủng hoảng hồi tháng 4.
Khi phân bổ vốn vào quỹ mở, theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, nhà đầu tư cần chọn hướng đi lâu dài từ một năm trở lên nhằm đạt mức lợi nhuận tốt nhất theo đặc thù của kênh đầu tư này.
Còn theo chuyên gia VCBF, hiện tại vẫn là giai đoạn để tích lũy tài sản, quên đi những biến động ngắn hạn của thị trường. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển ở phía trước, vì vậy VCBF vẫn tin thị trường chứng khoán sẽ đạt được nhiều đỉnh cao mới trong tương lai.
"Nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ một phần tài sản của mình vào chứng khoán, có thể lựa chọn hình thức đầu tư định kỳ cho mục tiêu tài chính dài hạn của bản thân và gia đình", ông Duy Anh khuyến nghị.
Tất Đạt