"Hầu hết bệnh nhân đến khám khi bệnh đã trở nặng, việc điều trị khó khăn, tốn kém, nguy cơ tử vong cao", PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM, nói tại lễ ra mắt Đơn vị Hô hấp Bệnh viện Gia An 115, ngày 23/7.
Theo phó giáo sư Ngọc, nguyên nhân khiến số người tử vong do COPD ngày càng cao là lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng, phần lớn liên quan đến tình trạng hút thuốc lá và môi trường sống ngày càng ô nhiễm, đặc biệt tại các đô thị lớn. Ở nhiều địa phương, hệ thống quản lý và theo dõi bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ vẫn chưa được thiết lập bài bản, khiến việc kiểm soát bệnh từ sớm gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân COPD còn mắc kèm các bệnh lý khác như tim mạch, đái tháo đường, nhiễm trùng hô hấp..., khiến sức khỏe suy yếu nhanh và nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong càng cao.
Ước tính trên thế giới, cứ mỗi 10 giây lại có một người tử vong vì COPD. Còn tại Việt Nam, theo khảo sát, khoảng 4,2% người trên 40 tuổi mắc bệnh này. Riêng tỷ lệ ở nam giới là 7,1% - tức trung bình cứ 100 nam giới trung niên thì có 7 người mắc bệnh.
Phó giáo sư Ngọc cho rằng trong khi số ca mắc COPD nói riêng và các bệnh lý hô hấp ngày càng tăng, hệ thống nhân lực điều trị hô hấp tại Việt Nam lại chưa đáp ứng kịp, vẫn còn thiếu và yếu. Nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh vẫn chưa thành lập được khoa hô hấp do thiếu bác sĩ chuyên ngành. Ngay cả tại TP HCM - nơi tập trung nhiều cơ sở y tế lớn - các khoa hô hấp cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Vẫn còn trường hợp bệnh nhân phải nằm hành lang, nằm tạm trên băng ca vì không đủ giường bệnh, gây áp lực lớn cho cả đội ngũ y tế và ảnh hưởng chất lượng điều trị.
COPD đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói bụi...
Những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong. Bệnh không chỉ ảnh hưởng phổi mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân thường mắc phải tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Theo BS.CK2 Nguyễn Trịnh Liên Hương, Bệnh viện Gia An 115, điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh khi đã có biến chứng hoặc vào đợt cấp - giai đoạn bệnh tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị tăng vọt. Bên cạnh đó, do không quản lý tốt bệnh, tần suất nhập viện do các đợt cấp tính diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Mỗi lần tái phát, người bệnh có thể tốn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng viện phí. Nhiều trường hợp phải nằm viện dài ngày, thở máy, đối mặt với nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc hoặc nhiễm trùng bệnh viện, khiến quá trình hồi phục thêm khó khăn.

BS.CK2 Nguyễn Trịnh Liên Hương tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Nguyệt Thu
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo chủ động cải thiện và bảo vệ môi trường sống. Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, hạn chế tiếp xúc với bụi mịn, khí độc, khói bếp than và đặc biệt là nói không với thuốc lá - cả chủ động và thụ động - đóng vai trò then chốt. Tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý và tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt trong mùa cúm hoặc khi có dịch bệnh hô hấp lây lan.
Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến bệnh nền tiến triển nặng hơn. Tư vấn bác sĩ khi cảm thấy khó thở, đau ngực hay khó chịu ở mắt. Không nên đốt rác, lá cây, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp.
Lê Phương