Căn cứ khoản 8 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân, một triệu đồng đối với tổ chức (hiện nay áp dụng với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức).
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định này thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ.
- Trường hợp 2: Hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến (đây là quy định mới của Luật số 88/2025/QH15) theo quy định sau đây:
Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó ban hành một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phải xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trường hợp không có thẩm quyền xử phạt, thì phải chuyển quyết định kèm theo hồ sơ (bản sao y), tang vật, phương tiện vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong vụ việc, trừ trường hợp tang vật, phương tiện là vật chứng và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Lưu ý: Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM