Theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, không thi hành án tử hình với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Người đủ 75 tuổi trở lên.
- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 1 Luật số 86/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), ngoài việc giữ hai trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu họ là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; còn bổ sung thêm trường hợp thứ ba không bị thi hành án tử hình là người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Đồng thời, Luật số 86/2025/QH15 đã bãi bỏ quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".
Lý do: Theo Luật số 86/2025/QH15, từ ngày 1/7/2025, đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thì hình thức phạt cao nhất là chung thân (không còn án tử hình). Trong các trường hợp không thi hành án tử hình nêu trên thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM