Thứ hai, 5/5/2025
Thứ hai, 5/5/2025, 10:37 (GMT+7)

Trùng Khánh - siêu thành phố lớn nhất thế giới

Trùng Khánh, siêu thành phố với 34 triệu dân, được xem là biểu tượng của cuộc cách mạng đô thị nhanh nhất thế giới.

Cách đây 30 năm, chính phủ Trung Quốc quyết định sáp nhập nhiều vùng nông thôn rộng lớn để thử nghiệm mô hình phát triển siêu đô thị.

Thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh được thành lập ngày 14/3/1997, tách từ tỉnh Tứ Xuyên, theo chiến lược phát triển miền Tây của Trung Quốc.

Trong ảnh là thành phố Trùng Khánh về đêm nhìn từ drone, ngày 23/8/2024.

Người dân Trùng Khánh dạo chơi bên bờ sông Dương Tử, trước mặt là cụm tòa nhà chọc trời Raffles City, xây dựng từ năm 2019.

Thành phố Trùng Khánh được chia làm 26 quận, 8 huyện và 4 huyện tự trị dân tộc. Dân số Trùng Khánh hiện đạt 34 triệu, là thành phố lớn nhất thế giới với diện tích gần 82.400 km2, tương đương cả nước Áo.

Trung tâm triển lãm bên bờ sông Dương Tử.

Trong 20 năm qua, GDP đầu người của thành phố đã tăng gấp 16 lần, tỷ lệ đô thị hóa tăng gấp đôi, khi Trùng Khánh chuyển đổi từ nền công nghiệp nặng gây ô nhiễm sang vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực ôtô, công nghệ thông tin.

Nút giao Sujiaba, cửa ngõ quan trọng vào khu trung tâm Trùng Khánh, về đêm.

Trong năm 2024, Trùng Khánh sản xuất nhiều ôtô hơn cả của Anh và Pháp cộng lại. Cứ ba laptop hay 10 xe máy được bán ra trên thế giới thì có một chiếc được sản xuất tại Trùng Khánh.

Khu Hồng Nhai Động ở Trùng Khánh sầm uất vào ban đêm.

Trùng Khánh cũng là khu vực quan trọng về lịch sử, văn hóa của vùng thượng du Trường Giang. Thành phố này từng là thủ đô lâm thời của Trung Quốc từ năm 1937 đến 1945.

Bờ đông sông Dương Tử, nhìn từ đài quan sát trên tòa nhà chọc trời Raffles City. Năm 2023, tổng GDP của Trùng Khánh đạt hơn 421,54 tỷ USD.

Khu vực đô thị chính nằm tại hợp lưu sông Dương Tử và sông Gia Lăng. Trùng Khánh có 6 sân bay, gồm một sân bay quốc tế, 4 sân bay nội địa và một sân bay quân sự.

Nút giao Hoàng Giác Loan được ví như một "ma trận giao thông" ở Trùng Khánh.

Đây là nút giao phức tạp nhất thế giới với 5 tầng, 15 làn xe, tầng cao nhất cách mặt đất 37 m, chia ra 8 hướng. Khi mới được khai thác, nhiều người lo ngại có thể bị lạc trong giao lộ này.

"Ngay cả khi đi nhầm, chỉ cần đi thêm khoảng 500-600 m là có thể quay lại đúng hướng nhờ hệ thống biển chỉ dẫn", một quan chức phụ trách dự án nói.

Tàu điện ngầm số 2 đi xuyên qua chung cư 19 tầng ở Trùng Khánh.

Nhà ga này nằm giữa tầng 6 và tầng 8 để tận dụng không gian, trở thành điểm thu hút hàng nghìn du khách nhờ vẻ độc đáo.

Trùng Khánh được biết đến với biệt danh "thành phố núi", do địa hình chủ yếu là đồi núi. Kết quả là hạ tầng được xây dựng dọc các sườn dốc, tạo ra hệ thống giao thông chằng chịt như mê cung.

Người dân Trùng Khánh di chuyển bằng tàu điện ngầm.

Với 12 tuyến và 312 nhà ga, mạng lưới tàu điện của thành phố dài tới 561 km, phục vụ hơn một tỷ lượt hành khách mỗi năm.

'Độn thổ' hơn 100 mét để đi tàu điện ngầm ở Trung Quốc
 
 

Nhà ga Hongyancun sâu 116 m, tương đương tòa nhà 40 tầng ở Trùng Khánh.

Thư viện Sisyphe cao 20 m bên trong The Ring, trung tâm thương mại mới khai trương ở khu trọng điểm kinh tế, công nghệ Tân Khu Bắc của Trùng Khánh.

Chùa La Hán được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, dưới thời nhà Tống.

Ngoài biệt danh "thành phố núi", Trùng Khánh còn được gọi là "thành phố sương mù", với trung bình hơn 100 ngày sương mù mỗi năm.

Một nhóm bạn thưởng thức tiệc nướng bên bờ sông Gia Lăng ở quận Giang Bắc, Trùng Khánh.

Đây cũng là thành phố nóng nhất Trung Quốc vào mùa hè do vị trí địa lý và điều kiện sương mù. Tháng 8/2022, quận Bắc Bôi ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C.

Đức Trung (Theo Guardian, AFP, Reuters)