Tôi có một người bạn thời học trung cấp nghề Nhà hàng vào những năm 2000. Gia đình anh khá giả, vì thế khi chọn học trung cấp nghề, anh bị họ hàng phản đối vì không học đại học mà lại "đi học nghề làm phục vụ hầu hạ người khác".
Thế mà bây giờ, bạn tôi là giám đốc một chuỗi nhà hàng lớn ở TP HCM, thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi tháng. Còn hai người con của ông cậu, từng được ca tụng vì thi đậu đại học, thì một người đang thất nghiệp, người kia chạy xe ôm công nghệ.
Cháu tôi, con trai duy nhất của chị vợ, là con một. Cha mẹ cháu nhất quyết bắt cháu học ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học, dù cháu không giỏi các môn tự nhiên và gia đình cũng không mấy dư dả.
Kết quả là giờ đã năm ba đại học, cháu nợ khá nhiều môn, còn chiếc máy tính hơn 50 triệu được ba mẹ đầu tư thì phần lớn thời gian được dùng để... chơi game.
Ngày nay, nhiều gia đình chỉ có một đến hai con, nên tâm lý "bằng mọi giá cho con học đại học" càng trở nên phổ biến.
Là giảng viên, mỗi mùa hè đến, tôi lại nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ bạn bè, người thân - những phụ huynh có con em sắp hoàn thành chương trình phổ thông - để xin tư vấn chọn ngành, chọn trường.
Tôi thường chỉ tư vấn chọn trường học sao cho phù hợp với năng lực học tập và điều kiện tài chính của gia đình. Còn chọn ngành gì, tôi luôn khuyên hãy để chính các em quyết định. Chỉ các em mới hiểu rõ mình thích gì, muốn làm nghề gì trong tương lai, chứ không phải phụ huynh.
Tất nhiên, nếu phụ huynh cung cấp thêm thông tin chi tiết về học lực, tính cách hay sở thích của con, tôi cũng có thể góp ý về hướng ngành nghề phù hợp. Nhưng tuyệt đối, tôi không bao giờ dám khuyên "nên học ngành này", "không nên học ngành kia", hay "nên học đại học", "không nên học cao đẳng hay trung cấp nghề".
Vài năm trở lại đây, tôi nhận thấy một thực trạng khá buồn: Nhiều phụ huynh nhất quyết ép con cái học đại học, hoặc chọn những ngành có cái tên "rất kêu", "rất trend", bất chấp năng lực, sở thích và điều kiện của con.
Trong các buổi trò chuyện với sinh viên, tôi từng nghe nhiều bạn chia sẻ rằng mình đang cố gắng hoàn thành chương trình học không hề yêu thích, chỉ để làm hài lòng cha mẹ.
Các bạn cảm thấy lạc lõng, đang theo đuổi một ngành học không liên quan gì đến đam mê hay ước mơ của bản thân.
Qua những câu chuyện trên, tôi càng thấy rõ: Chọn ngành, chọn nghề và chọn bậc học phù hợp là vô cùng quan trọng đối với học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông.
Không phải cứ học ngành "hot", học đại học là đảm bảo thành công. Cũng không đúng khi cho rằng học cao đẳng hay trung cấp nghề là vô dụng trong xã hội hiện nay.
Nhân mùa tuyển sinh năm nay, tôi chỉ xin gửi đến các bậc cha mẹ một lời nhắn:
"Đừng bắt con vẽ giấc mơ của cha mẹ". Đừng để những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của con trôi qua trong một giấc mơ không phải của chính mình.
Henry Nguyễn