-
14h20
Nước sông suối dâng cao, sơ tán hàng nghìn người dân
14h tại Thanh Hóa mưa vẫn rất to, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Bưởi lên nhanh. Nhiều khu dân cư vùng trũng thấp đồng bằng, ven biển ngập cục bộ.
Chính quyền các xã miền núi, biên giới như Na Mèo, Pù Nhi, Mường Lý, Tam Chung... đang di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn. Bộ đội biên phòng dựng tạm một số lều lán ở vị trí ít chịu ảnh hưởng lũ lụt cho người dân trú ngụ.Chính quyền và người dân xã Na Mèo dựng lều lán để sơ tán các gia đình trong vùng nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lam Sơn
Thanh Hóa ghi nhận 20 xã, phường với gần 41.000 hộ và hơn 169.000 nhân khẩu đang sinh sống khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão và lụt lớn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị kế hoạch, sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.
Một khu đô thị ở phường Hạc Thành ngập sâu, chiều 22/7. Ảnh: Lê Hoàng
Nước sông Mã đoạn qua cầu Hàm Rồng dâng cao đầu giờ chiều 22/7. Ảnh: Lê Hoàng
-
13h45
Cảnh báo Hà Nội có giông trong 4 giờ tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết Wipha đang trên đất liền Hưng Yên - Ninh Bình và vẫn giữ cường độ cấp 8, chưa có dấu hiệu tan ngay.
Ảnh vệ tinh hoàn lưu bão tại Hà Nội. Ảnh: Cục Khí tượng thuỷ văn
Lúc 13h30 qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy vùng mây ở phía bắc hoàn lưu bão vẫn tồn tại trên các phường xã tại Hà Nội, như Yên Bài, Đoài Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Ô Diên..., các phường Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Nghĩa Đô... Vùng mây này có xu hướng dịch chuyển theo cơn bão.
Trong 4 giờ tới, các phường nội thành Hà Nội kể trên có mưa, mưa rào và có thể giông. Vùng mưa giông có thể mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành. Trong cơn mưa khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
-
13h20
Hơn 7.000 ha lúa ở Thanh Hóa bị ngập
Theo báo cáo nhanh, khoảng 7.200 ha lúa bị ngập tại Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa cũ. Địa phương huy động 151 máy bơm tại 34 trạm để tiêu úng. Trong đó, Công ty Bắc Sông Mã đang vận hành 20 trạm, Công ty Sông Chu 12 trạm và Công ty Nam Sông Mã 2 trạm.
Wipha quần thảo ven biển Thanh Hóa trưa 22/7. Video: Lê Hoàng
Hiện, mái đê phía tây sông Cùng (cấp IV) dài khoảng 47 m bị sạt lở. Địa phương đã xử lý, cắm mốc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực này.
-
13h00
Hỗ trợ đưa thuyền viên tàu bị lật vào bờ an toàn
Sáng 22/7, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các phương tiện thủy vào khu vực tránh trú bão Wipha, tổ công tác Thủy đoàn 1 (Cục CSGT) phát hiện tàu cá mang số hiệu QNg 92614-TS, do thuyền trưởng Trần Thành Pháp (42 tuổi, trú tại xã An Phú, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển, bị gió lốc xô lật chìm trên tuyến sông Chanh (phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Thời điểm phát hiện, trên tàu có 9 người.
Nhiều thuyền viên tàu cá được hỗ trợ vào bờ. Ảnh: Cục CSGT
Cảnh sát giao thông đường thủy hỗ trợ thuyền viên tàu cá. Ảnh: Cục CSGT
Tổ công tác đã điều động tàu Grip cùng 8 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tiếp cận hiện trường, kịp thời hỗ trợ đưa toàn bộ thuyền viên vào bờ an toàn, đồng thời tổ chức cứu vớt tài sản bị trôi dạt.
Trước diễn biến khó lường của bão Wipha, Cục CSGT khuyến cáo người dân không cố đi vào đường ngập, nước sâu; tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông và lực lượng điều tiết, theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo giao thông để có lộ trình phù hợp.
-
12h30
Tỉnh Ninh Bình mưa lớn dần
Từ 12h30, khu vực biển gần điểm du lịch Nhà thờ đổ của tỉnh Ninh Bình trời đổ giông, gió lớn kèm theo mưa như xối. Khu vực chân Nhà thờ đổ, sóng biển liên tục táp vào tạo thành cột sóng cao 4-5 m. Nước tràn khiến chân Nhà thờ ngập hơn nửa mét. Gió lớn cũng đẩy sóng biển xô mạnh vào bờ, làm đổ nhiều bao cát được người dân dựng lên để chắn sóng.
Tới gần 13h cùng ngày, gió vẫn rất lớn, biển động dữ dội. Một số nhà hàng nằm sát biển bị sóng táp qua cửa kính, nước tràn vào bên trong.
Sóng cao 5 m ở Ninh Bình khi bão đổ bộ. Video: Anh Phú
Nhà hàng nằm sát biển bị sóng táp qua cửa kính. Ảnh: Phạm Chiểu
Sóng đánh mạnh bên Nhà thờ đổ. Ảnh: Phạm Chiểu
Cột sóng cao 4-5 m. Ảnh: Phạm Chiểu
Người dân đắp thêm bao cát để chắn sóng. Ảnh: Phạm Chiểu
-
12h10
Cán bộ xã suýt bị đá lăn trúng người khi đi kiểm tra sạt lở
Lúc 10h30, trong lúc kiểm tra tình trạng sạt lở trên tỉnh lộ 543D, 6 cán bộ xã Mường Típ, tỉnh Nghệ An, gặp nguy hiểm khi đất đá từ vạt núi bên đường sạt xuống, suýt lăn trúng người. Nhờ phản xạ kịp thời, tất cả đều thoát nạn. "May mắn mọi người đều kịp tránh sang bên đường, nếu chậm vài giây thì hậu quả rất khó lường", ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch xã Mường Típ, cho biết.
Theo ông Sơn, từ đêm 21 đến trưa 22/7, địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài khiến hơn 300 m tuyến tỉnh lộ 543D bị sạt lở nghiêm trọng. Ngọn núi nằm sát đường cao hàng chục mét, mưa kéo dài làm đất đá nhão, trượt xuống mặt đường. Một số người dân đi qua khu vực này phải men sát mép đường, tránh đá văng trúng.
Đất đá trên tỉnh lộ 543D sạt xuống, khi các cán bộ xã Mường Típ đang đi kiểm tra sạt lở. Video: Lữ Phú
Để đảm bảo an toàn, xã Mường Típ đã lập chốt cấm đường, cử lực lượng công an và dân quân túc trực hai đầu tuyến. Trong lúc đang làm nhiệm vụ kiểm tra điểm sạt lở tại khu vực nguy cơ cao, cán bộ xã bất ngờ phát hiện nhiều tảng đá lớn từ trên núi đổ xuống.
Sáng 22/7, để ứng phó với mưa lớn do bão số 3, hàng loạt nhà máy thủy điện ở Nghệ An như Nậm Mô (xã Mường Xén), Châu Thắng (xã Châu Tiến), Bản Ang (xã Tương Dương), Khe Bố (xã Tam Quang) và Chi Khê (xã Con Cuông) đồng loạt xả nước với lưu lượng từ 74 đến 2.000 m3/s nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và giảm nguy cơ ngập lụt hạ du.
-
12h5
Tạm cắt cầu phao Phong Châu ứng phó bão
Khu vực sông Hồng đoạn chảy qua cầu Phong Châu (Phú Thọ) sáng nay mưa nhỏ. Lưu tốc đo lúc 9h ở phía bờ Tam Nông 1,5 m/s, bờ Lâm Thao 1,6 m/s, lưu tốc giữa sông 1,8 m/s, sâu 6,2 m, rộng 193 m.
Khu vực sông Hồng đoạn chảy qua cầu phao Phong Châu sáng nay. Ảnh: Đăng Chiến
Tối 21/7, Lữ đoàn Công binh 249 đã cắt cầu phao và tạm dừng đảm bảo cầu, phà tại khu vực Phong Châu, neo đậu, ghim trang thiết bị vào bờ để ứng phó bão. Bộ dội duy trì trực 100% quân số, thường xuyên đo lưu tốc dòng chảy, sẵn sàng hỗ trợ người dân và xử lý tình huống xảy ra.
Lữ đoàn Công binh 249 đã cắt cầu phao Phong Châu tối 21/7, tạm dừng cầu phà qua khu vực này để ứng phó bão. Ảnh: Đăng Chiến
-
12h00
Miền núi Nghệ An sạt lở, ngập sâu, chia cắt cục bộ
Dù nằm ngoài vùng tâm bão, nhiều xã miền núi Nghệ An từ sáng 22/7 vẫn xuất hiện mưa lớn, gây sạt lở, ngập sâu và chia cắt cục bộ. Tại xã Yên Hòa (huyện Tương Dương cũ), mưa kéo dài từ đêm 21 khiến tuyến đường chính vào bản Xốp Cốc và Tạt bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng. Cầu tràn Xốp Cốc ngập gần một mét, phương tiện không thể lưu thông.
Chính quyền địa phương đã tạm thời cấm đường, bố trí công an và dân quân túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn. Trường hợp khẩn cấp sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ vượt suối.
Cầu tràn ở xã Mường Típ bị ngập, chia cắt cục bộ. Ảnh: Hùng Lê
Ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch xã Yên Hòa, cho biết khoảng 200 hộ dân ở bản Xốp Cốc và Tạt đang bị cô lập do mưa lũ. Một số hộ sống gần núi, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đã được chính quyền di dời đến nơi an toàn để tránh trú.
Cách Yên Hòa khoảng 60 km, sáng nay, xã biên giới Tam Hợp đã di dời 20 hộ dân ở bản Xốp Nặm đến trường THCS trên địa bàn sau khi nhiều khối đá lớn từ núi lăn xuống đường. Bản Xốp Nặm có 83 hộ, trong đó 20 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sạt lở.
Quốc lộ 16 qua xã Tri Lễ nứt nẻ. Ảnh: Hùng Lê
Trên quốc lộ 16, đoạn qua xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũ, rạng sáng nay mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt dài hơn 10 m, nguy cơ sụt lún. Các phương tiện qua lại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Dọc tuyến còn ghi nhận nhiều điểm sạt lở nhỏ khác, đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường, gây ách tắc cục bộ.
-
11h35
Thanh Hóa mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu đến 80 cm
Khu vực Thanh Hóa đang mưa lớn kèm gió cấp 4-5. Tại vùng ven biển xã Hoằng Tiến, mưa táp mạnh vào mái tôn các căn nhà, kèm từng đợt gió lớn. "Từ sáng sớm đến giờ, cả xóm không ai dám ra đường vì sợ mái tôn, lều bạt bay trúng người", anh Trần Duy Khánh, xã Hoằng Tiến, cho biết.
Lượng mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại phường Hạc Thành (trung tâm TP Thanh Hóa) và các khu dân cư ven biển bị ngập sâu, có nơi nước dâng đến 70-80 cm.
Mưa to, gió lớn khu vực ven biển Thanh Hóa. Video: Lê Hoàng
Nước ngập ngang người ở xã Vạn Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng
Người dân vất vả di chuyển do nước ngập. Ảnh: Lê Hoàng
Đường phố ở phường Hạc Thành biến thành sông. Ảnh: Lê Hoàng
Trời mưa lớn, các phương tiện phải bật đèn khi lưu thông. Ảnh: Lê Hoàng
-
11h30
Bão suy yếu, tiếp tục di chuyển về phía Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 11h ngày 22/7, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10-15 km/h.
Trong ngày và đêm nay, bão đi chếch xuống khu vực Thanh Hóa rồi suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Từ nay đến ngày mai, mưa lớn tập trung tại phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 100 mm.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão, các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An đã ghi nhận lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 150 mm. Mực nước dâng tại Hòn Dấu (Hải Phòng) đo được 0,6 m và tại Ba Lạt (Hưng Yên) là 0,8 m.
Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão, trưa 22/7. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai