Ban đầu người chồng được chẩn đoán vô tinh trùng, tình trạng trong đó tinh dịch không có hoặc có rất ít tinh trùng, khiến việc thụ thai tự nhiên gần như không thể. Cặp vợ chồng đã nỗ lực 18 năm mà không thể có con, đến khi được các bác sĩ giới thiệu phương pháp mới.
Phương pháp có tên STAR, viết tắt của Sperm Tracking and Recovery, do Trung tâm Sinh sản thuộc Đại học Columbia, New York phát triển. Công nghệ mới mở ra hy vọng cho hàng nghìn đàn ông từng được chẩn đoán mắc vô tinh trùng. Ước tính có khoảng 15% nam giới vô sinh mắc phải tình trạng này.
"Dưới kính hiển vi, một mẫu tinh dịch có thể chỉ là biển mảnh vụn tế bào mà không thấy một tinh trùng nào", tiến sĩ Zev Williams, Giám đốc Trung tâm Sinh sản, cho biết.
Với các trường hợp này, lựa chọn duy nhất thường là dùng tinh trùng hiến tặng hoặc trải qua phẫu thuật xâm lấn, cắt bỏ mô tinh hoàn để tìm kiếm tinh trùng. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không tìm thấy gì, gây thất vọng cho cả bệnh nhân lẫn gia đình.
Từ bế tắc đó, nhóm của Williams đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo được dùng trong thiên văn học, công nghệ giúp phát hiện các hành tinh và ngôi sao xa xôi, để phát triển STAR. Hệ thống có khả năng phân tích hình ảnh công suất cao và tự động dò tìm tinh trùng còn sót lại trong mẫu tinh dịch.
Công nghệ này có độ chính xác cao đến mức, trong một thử nghiệm, hệ thống phát hiện 44 tinh trùng trong một mẫu mà các nhà phôi học mất hai ngày không tìm ra kết quả nào. Quá trình chỉ mất một giờ.
"Chúng tôi đang dùng công nghệ tìm sự sống trong vũ trụ trọng lại để tạo ra sự sống ngay trên Trái đất", Williams nói.
Người đầu tiên mang thai nhờ STAR là Rosie (38 tuổi), sau 19 năm cố gắng thụ thai với người chồng mắc chứng vô tinh trùng. Cô chia sẻ với tạp chí Time: "Thật sự không còn giải pháp nào khác. Và với tuổi sinh sản, tôi đang đến đoạn cuối".

Với sự hỗ trợ của STAR, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tăng cơ hội sinh con mà không cần các phương pháp quá đắt đỏ. Ảnh: Adobe Stock
Trong quá trình, chồng cô chỉ cần cung cấp một mẫu tinh dịch. Hệ thống STAR quét mẫu với hơn 8 triệu hình ảnh trong vòng một giờ. AI xác định được ba tế bào tinh trùng khả thi. Robot tự động tách tinh trùng ra khỏi mẫu mà không gây hư hại.
"Hãy tưởng tượng tìm kiếm trong hàng ngàn đống cỏ khô rải rác trên mười sân bóng, và tìm ra nó trong chưa đến hai giờ", Williams so sánh.
Sau khi thu tinh trùng, bác sĩ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Với Rosie, trứng được thụ tinh trong vòng hai giờ sau khi lấy mẫu. Phôi được chuyển vào tử cung vài ngày sau đó.
Rosie đang mang thai tháng thứ 5. "Tôi vẫn thức dậy vào buổi sáng và không tin điều này là thật", cô nói.
STAR hiện chỉ áp dụng tại Trung tâm Sinh sản Columbia. Williams cho biết, chi phí tìm kiếm, tách và đông lạnh tinh trùng dưới 3.000 USD. Trong khi chi phí trung bình cho một chu kì IVF tại Mỹ lên tới 12.000 đến 15.000 USD, chưa kể thuốc men và xét nghiệm di truyền.
Robert Brannigan, chủ tịch Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, cho rằng công nghệ này có tiềm năng, nhưng cần nhiều dữ liệu hơn trước khi rộng rãi áp dụng.
Sự ra đời của STAR diễn ra trong bối cảnh vô sinh nam gia tăng trên toàn cầu. Một nghiên cứu cho thấy, số lượng tinh trùng nam giới phương Tây giảm hơn 50% từ năm 1973 đến 2011. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng được cho là liên quan đến môi trường, béo phì, chế độ ăn uống và lười vận động.
"Với STAR, những người đàn ông tưởng như không bao giờ có con sinh học nay đã có cơ hội", Williams nói.
Thục Linh (Theo NY Post)