Vợ chồng anh Thành, 40 tuổi, ở TP HCM từng cùng nhau nỗ lực cả tuổi trẻ để xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh. Sau 10 năm chung sống, tình yêu cạn kiệt, họ trở thành những kẻ xa lạ ngay trong nhà mình. Nhưng cả hai đều không thể ly hôn vì chưa thống nhất được việc chia tài sản.
"Cô ấy chỉ hỗ trợ tôi thời gian đầu lập nghiệp. Sau đó là ở nhà nội trợ. Toàn bộ đất đai, 5 căn nhà mua được đều do một tay tôi gây dựng", anh nói.
Thành đề nghị chia cho vợ hai ngôi nhà, anh giữ lại ba và toàn bộ cổ phần công ty. Người vợ không đồng ý. Anh nhiều lần thuê luật sư tìm cách hợp thức hóa thủ tục để giữ tài sản như mong muốn nhưng không khả thi.
Người đàn ông chọn cách ly thân, chung sống với người mới dù không được pháp luật công nhận. Con của anh và "vợ hai" hiện đã bốn tuổi.

Ảnh minh họa: Londonmumsmagazine
Không có nhiều tài sản để phải tranh chấp nhưng ba năm nay anh Trần Toán, 45 tuổi, ở Hà Nội, chấp nhận dọn ra ngoài ở nhà trọ thay vì làm thủ tục ly hôn. Anh sợ căn hộ chung cư cả đời tích cóp mới mua được, sẽ phải bán để chia đôi.
Căn chung cư hơn 4 tỷ đồng ở Xuân Đỉnh là tài sản cả hai vợ chồng tích cóp suốt tuổi trẻ. Ly hôn, cả hai đều không đủ tiền mua lại nửa phần còn lại. Nếu bán chia đôi, anh sợ không còn gì để lại cho con.
Anh cũng không muốn nhường nhà cho vợ. "Nếu lỡ cô ta cưới chồng mới, họ định đoạt căn nhà thế nào làm sao tôi quyết được", anh nói. Không có ý định đi bước nữa, anh chọn giữ nguyên mối quan hệ vợ chồng trên giấy tờ để tránh rủi ro.
"Tôi chẳng giữ được gia đình cho con thì giữ cho nó cái nhà", anh nói.
Duy trì cái vỏ hôn nhân vì sợ phân chia tài sản là câu chuyện không hiếm. Theo thống kê của ngành tòa án năm 2019, Việt Nam có tới hơn 90% các cặp ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Có cặp vợ chồng ly thân đến 10 năm mới gửi đơn xin ly hôn. Hai nguyên nhân chính là "lo con không có bố mẹ" và "không phân chia được tài sản".
"Có những đôi vì không thỏa thuận được chuyện tài sản tắc luôn thủ tục ly hôn", luật sư Ngọc Nữ, Trưởng văn phòng luật Trí Việt (TP HCM) nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên trường Chính trị khu vực II, cho rằng trong tâm lý học có bốn kiểu gia đình: tổ ấm, tổ lạnh, tổ nhím và tổ rã. Những người như vợ chồng anh Thành hay anh Toán, không còn tình cảm nhưng vẫn sống chung vì tài sản, thuộc kiểu "tổ lạnh". "Họ thờ ơ, không kết nối, làm tổn thương nhau về tinh thần. Đó cũng là một dạng bạo lực", bà nói.
Khi sống trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, con người không thể sống là chính mình. Họ bị giằng xé giữa cảm xúc và lý trí, giữa tình thân và vật chất.
Thành và vợ đã nhiều lần nổi điên với nhau, chỉ muốn lao ngay đến tòa để cắt đứt. Tuy nhiên, vợ anh nói "cứ chia đôi tài sản cho tôi, muốn đi đâu thì đi", Thành lại từ bỏ ý định. Cứ như vậy, họ dằn vặt, đày đọa nhau.
"Tôi không muốn thiệt, anh ta lại càng tham", người vợ nói.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội Bảo vệ quyền trẻ em) cho rằng nếu hai bên thống nhất sống như "đối tác", giữ hôn nhân trên giấy để tránh chia tài sản, nhưng không gây tổn thương cho nhau, thì có thể hiểu được trong xã hội hiện đại.
Điều gây tổn thương là khi hai người vẫn lấy quyền làm vợ, làm chồng để áp đặt người kia, trong khi tình cảm không còn. Bà từng tư vấn một người đàn ông có hai con riêng nhưng không dám ly hôn vợ cả. Anh chỉ mong cãi vã để lấy cớ chạy sang với người mới. "Chính thất" lại nói xấu, kể tội chồng với người xung quanh.
Người vợ không muốn ly hôn vì chồng là trụ cột kinh tế. Người chồng giữ vợ để tránh tai tiếng, ảnh hưởng sự nghiệp. "Khi là nô lệ của đồng tiền, chính họ là nạn nhân đầu tiên", bà Hương nói.
Dưới góc độ tâm lý trẻ em, bà Hương khẳng định dù thế nào, con cái vẫn là nạn nhân. "Trẻ sẽ nhìn vào hình mẫu cha mẹ để định nghĩa hôn nhân. Nếu hôn nhân của cha mẹ chỉ là cái vỏ, chúng sẽ có cái nhìn lệch lạc", bà nói.
Với những đứa trẻ ở tuổi phản biện, việc biết cha mẹ sống chung chỉ để giữ tài sản có thể khiến chúng tự ti, lãnh cảm. Một số trẻ có xu hướng yêu sớm để tìm kiếm sự quan tâm.
Anh Toán thừa nhận điều này. Hai con đã đủ lớn để hiểu và cảm thông. Nhưng sâu thẳm, anh biết các con buồn. "Con bé lớn nói với tôi nó là đứa trẻ bất hạnh, vì trong nhóm bạn thân, chỉ có bố mẹ nó không ở với nhau", anh kể.
Luật sư Ngọc Nữ cho biết trong trường hợp này các cặp vợ chồng có thể làm thủ tục ly hôn trước. Tranh chấp tài sản sẽ được giải quyết sau như một vụ án dân sự. Tuy nhiên, hướng này tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí nên không được nhiều người lựa chọn.
Trường hợp như anh Toán, luật sư gợi ý có thể làm thủ tục nhường quyền sở hữu một nửa căn nhà cho con và đề nghị quyền giám hộ phần tài sản đó đến khi trẻ trưởng thành. Sau ly hôn, nếu người vợ muốn bán căn nhà, phải được người giám hộ đồng ý. "Cách này vừa giữ được tài sản cho con, vừa đảm bảo quyền lợi của người cha, người mẹ", bà nói.
Tiến sĩ Minh dẫn một nghiên cứu trên 1.000 người cho thấy đa số ủng hộ quan điểm "không còn yêu thì nên ly hôn". "Lý luận về nguồn gốc gia đình của các triết gia cũng cho rằng ly hôn là hành động nhân văn khi tình yêu đã hết. Không nên vì tiền mà giam cầm nhau trong một mối quan hệ trống rỗng", bà nói.
Tuy nhiên, nếu đã chấp nhận ở lại, mỗi người cần làm tròn vai. Không thể chọn sống "một chân hai kiềng" như anh Thành. "Làm vậy, tổn hại tinh thần còn lớn hơn giá trị vật chất rất nhiều", bà Minh nhấn mạnh.
Dù mệt mỏi, vợ chồng anh Thành đều không muốn nhượng bộ. Biết người vợ sau và con thiệt thòi, người đàn ông ấy bù đắp cho họ bằng cuộc sống không thiếu thứ gì, ngoài hai chữ "chính danh".
*Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga