"Dần dần, thực tế thi cử đã làm lộ ra nhiều điểm bất cập khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học lại làm một. Điểm thấy rõ nhất là tính chất của hai kỳ thi này là hoàn toàn khác nhau: một bên là đánh giá hoàn thành bậc THPT (không đặt nặng việc phân loại học sinh), còn bên kia là tuyển sinh đầu vào cho đại học (cần phân hóa thí sinh). Cơ bản khái niệm kết thúc một cấp học với tuyển sinh cho đầu vào của cấp học mới là không thể giống nhau.
Hiện nay, chúng ta gộp hai kỳ thi làm một là vì vẫn có trường hợp xét tuyển đại học bằng học bạ cấp ba. Thế nên, nếu xét tốt nghiệp luôn thì sẽ không thể phân loại được học sinh đầu vào. Điều này theo tôi là bất hợp lý bởi tại sao chúng ta vẫn tách bạch việc xét tốt nghiệp cuối cấp hai và thi tuyển sinh vào lớp 10 mà cứ rắc rối khi đến cuối cấp THPT dù tính chất tương tự nhau?
Theo tôi, đơn giản nhất là chỉ cần bỏ luôn việc xét tuyển đại học theo học bạ là công bằng nhất. Khi đó sẽ không còn chuyện chạy đua học bạ đẹp, đồng thời triệt tiêu luôn mục tiêu phải phân loại học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng đề thi khó. Việc xét tốt nghiệp và tổ chức thi tuyển sinh đại học hoàn toàn có thể tách bạch giống như từ cấp hai lên cấp ba, tức bỏ thi tốt nghiệp, chỉ giữ một kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học. Như thế hợp lý hơn là gộp hai kỳ thi làm một như hiện tại".
Đó là quan điểm của độc giả Tran Phuoc Dung xung quanh câu hỏi: "Nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?". Đây là vấn đề được đặt ra sau khi có nhiều ý kiến cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay khó hơn nhiều so với đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối năm ngoái, đặc biệt là môn Toán và Anh. Một mặt, đề thi được đánh giá có tính phân hóa cao, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh đại học. Nhưng mặt khác, kỳ thi cũng tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là những em không có nhu cầu học tiếp lên đại học. Câu hỏi đặt ra là: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn cần thiết?
>> Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 quá sức với học sinh của tôi
Nhưng với cái nhìn khác về sự cần thiết duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT, bạn đọc Nqb phản biện: "Xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tôi là một đề xuất xa rời thực tế vận hành của xã hội Việt Nam 30 năm nay, vì:
Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT là công cụ hiệu chuẩn chất lượng quốc gia khách quan duy nhất. Trong bối cảnh 'bệnh thành tích' và chênh lệch giáo dục vùng miền còn tồn tại, việc giao toàn quyền xét tốt nghiệp cho cơ sở giáo dục địa phương sẽ tất yếu dẫn đến lạm phát điểm số, làm vô hiệu hóa giá trị tấm bằng. Một kỳ thi chung với đề và barem thống nhất chính là cơ chế kiểm soát tối thiểu, buộc toàn hệ thống phải vận hành theo một tiêu chuẩn đo lường được. Thiếu nó, độ tin cậy của giáo dục phổ thông sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.
Thứ hai, áp lực và độ khó của kỳ thi chính là chức năng phân hóa tất yếu của nó. Một đề thi có tính phân loại cao không phải là hạn chế, mà là giá trị cốt lõi để các trường đại học tuyển chọn nhân lực phù hợp, đồng thời phân luồng hiệu quả học sinh sang giáo dục nghề nghiệp. Áp lực này còn là động lực cần thiết để duy trì kỷ luật và sự nghiêm túc học tập, qua đó sàng lọc năng lực một cách công bằng trên quy mô toàn quốc.
Vì vậy, vấn đề không phải là xóa bỏ một cơ chế đã được chứng minh là cần thiết, mà là cải tiến nó. Loại bỏ kỳ thi THPT vào lúc này sẽ tạo ra một khoảng trống chính sách nghiêm trọng, gây bất ổn và dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về chất lượng và sự công bằng mà chúng ta không thể kiểm soát".
- 'Ngoại ngữ thành môn thi THPT tự chọn là tất yếu'
- 'Hai tiêu chí để Tiếng Anh là môn thi THPT bắt buộc'
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'
- Nỗi lo thụt lùi nếu loại Tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc
- 'Không thể loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT'
- 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'