Khi chuyển đến Bhutan, quốc gia nằm trên dãy Himalaya, kẹp giữa hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1994, Linda Leaming bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nơi này. Cô cho biết đã bị Bhutan hấp dẫn ngay từ phút xuống máy bay, không khí trong lành và cây xanh che phủ khắp nơi.
Linda khi đó 39 tuổi, luôn tò mò Bhutan, quốc gia khi đó vẫn là một chấm nhỏ trên bản đồ du lịch và chưa được nhiều du khách biết đến như ngày nay. Khi đặt chân đến thị trấn thung lũng Paro, nơi nổi tiếng với tu viện Tiger's Nest với mái vàng nằm cheo leo trên vách đá, Linda cảm thấy "kính sợ và ngạc nhiên" vì chưa từng thấy tu viện nào như thế.

Linda và Namgay chụp ở Bhutan năm 2004. Ảnh: CNN
Khi đến Bhutan, điều cô ấn tượng nhất là lòng tốt của người dân địa phương, những người hoàn toàn xa lạ như sẵn sàng chở cô về khách sạn vì Linda bị trẹo mắt cá chân, tặng cô miễn phí các loại trái cây bán ven đường. Đi bộ hàng giờ mỗi ngày tại Bhutan với Linda giống như một bài tập chánh niệm, khiến tâm trí cô chậm lại và minh mẫn hơn. Đó cũng là lúc cô nhận ra muốn dành phần đời còn lại ở nơi này.
Trở về Mỹ sau chuyến đi, Linda hủy bỏ kế hoạch mua nhà ở thành phố Nashville. Thay vào đó, cô đặt mục tiêu chuyển đến Bhutan. Sau khi quay lại nơi này thêm hai lần nữa, vào năm 1997, cô quyết định chuyển đến sống lâu dài.
Linda được mời làm việc tại một trường văn hóa ở thủ đô Thimphu. Một năm sau, cô trở thành giảng viên dạy tiếng Anh tại trường Nghệ thuật Quốc gia. Tại đây, cô kết bạn với Namgay, anh chàng nhút nhát nhưng đáng yêu, đẹp trai và luôn ăn mặc chỉn chu.
Sau gần hai năm quen biết, họ tiến tới hôn nhân. Khi được bạn trai dẫn đến ra mắt gia đình, cô có đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, sự chào đón nồng nhiệt của gia đình bạn trai đã khiến cô thở phào.
"Là người theo đạo Phật, anh ấy tin rằng duyên nghiệp đã đưa chúng tôi đến với nhau", Linda nói. Năm 2000, họ chính thức kết hôn.

Namgay bên một bức tranh đang vẽ dở (ảnh trái) và đang cùng con gái, Kinlay Yangdon, thu hoạch quả óc chó. Ảnh: CNN
Sau vài năm chung sống, Namgay hỏi Linda có nhớ lần đầu tiên họ gặp mặt là khi nào không. Cô cho rằng đó là khi họ cùng làm chung ở trường Nghệ thuật. Nhưng sự thật, anh chính là người lạ đã chở cô bằng xe máy về khách sạn khi cô bị trật chân. Điều đó khiến Linda vô cùng bất ngờ và càng tin hơn vào số phận.
Bhutan từ lâu được thế giới biết đến là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" khi khai sinh và áp dụng Chỉ số Hạnh phúc (GNH) làm thước đo tiến bộ quốc gia thay vì các chỉ số kinh tế như GDP. Chỉ số GNH ở Bhutan là 93,6% dân số, người dân coi mình là những người hạnh phúc.
Khái niệm quốc gia hạnh phúc được đưa ra vào những năm 1970 bởi nhà vua thứ tư của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck. Ông cho rằng điều quan trọng là phải có cách tiếp cận toàn diện đối với sự phát triển, xem xét tác động xã hội, văn hóa, môi trường, tinh thần thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Tinh thần này là lý do chính giúp Bhutan vẫn giữ được môi trường nguyên sơ, văn hóa truyền thống trong thời đại toàn cầu hóa thương mại hóa nhanh chóng.
"Tôi đã sống ở đây 30 năm, và đất nước này vẫn rất nguyên sơ, kỳ diệu", Linda nói và nhớ về cảnh những con hổ Bengal lang thang tự do trong rừng còn báo tuyết đi lại trên các ngọn núi cao.
Linda thích đi bộ đường dài lên tu viện Tango có từ thế kỷ XIII. Với cô, điểm đến linh thiêng này toát ra một loại năng lượng đặc biệt khiến cô cảm thấy yên bình, khỏe mạnh.
Những ngày đầu sống ở Bhutan, Linda phải giặt quần áo bằng tay trong xô, chậu. Họ đã mua máy giặt sau khi kết hôn nhưng vẫn đun sôi nước máy trước khi uống.

Tu viện Tiger's Nest nổi tiếng ở Paro, Bhutan. Ảnh: Reddit
Nói về chánh niệm, Linda cho biết sống trong cộng đồng Phật giáo đã dạy cô cách sống chậm lại, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Người dân địa phương có cách tiếp cận thời gian linh hoạt hơn thay vì bị đồng hồ chi phối. Khi hẹn ai đó đến dùng bữa hoặc sửa ống nước, Linda sẽ nói: "thứ tư đến nhé" và người đó sẽ đến trước, sau hoặc đúng ngày. Điều này được coi là bình thường khiến Linda phải mất một thời gian để làm quen vì người Mỹ luôn đúng giờ.
Hiện tại, vợ chồng Linda sống trên một ngọn đồi, nơi được bao phủ bởi cây liễu và anh đào. Ngôi nhà của họ tràn ngập ánh sáng, nằm cạnh xưởng nghệ thuật nhỏ nơi Namgay thường dành cả ngày để vẽ tranh.
Vợ chồng họ cũng chia thời gian ở hai nơi, lúc ở Bhutan lúc ở Mỹ. Những năm gần đây, cả hai dành nhiều thời gian ở Thimphu hơn. Mỗi khi bạn bè từ Mỹ đến thăm và trở về nhà, họ thường khóc khi phải tạm biệt ở sân bay.
Linda cho biết tại Bhutan, người dân coi trọng lòng tốt, sống hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa. Cô cho biết du khách đến đây ở càng lâu sẽ càng cảm thấy thư giãn. Trên thế giới, mọi người đang sống trong thời đại bất ổn, có nhiều sự tức giận, sợ hãi. "Bhutan là nơi nghỉ ngơi tuyệt vời để tránh khỏi những điều đó", Linda nói.
Anh Minh (Theo CNN)