"Áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng thì cuối cùng giá nhà sẽ được cộng thêm phần thuế đó, đội thêm giá và thiệt cho người mua mà thôi. Cách làm này sẽ không hiệu quả mà còn góp phần đẩy giá nhà lên. Theo tôi thì vẫn nên thu thuế hàng năm, đánh thuế lũy tiến bất động sản. Ví dụ căn nhà thứ hai thu thuế 1% , căn thứ ba thu thuế 2% . Người đầu cơ lúc đó sẽ chịu áp lực đóng thuế và cả lãi vay ngân hàng, nếu không tính toán cẩn thận hoặc không bán được nhà, rất có khả năng bị phá sản".
Đó là lo lắng của độc giả Anhnôngdân về khả năng ngăn lướt sóng nhà đất của đề xuất áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng. Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng. Nếu không xác định được giá mua và chi phí liên quan, thuế tính theo giá bán và thời gian sở hữu, với thuế suất từ 2–10% (dưới 2 năm: 10%, 2-5 năm: 6%, 5-10 năm: 4%, từ 10 năm trở lên 2%). Việc áp thuế trên lãi chuyển nhượng bất động sản nhằm điều tiết hoạt động đầu cơ, "lướt sóng" - nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà đất tăng nóng thời gian qua.
![]Đề xuất của Bộ Tài chính về tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản. Đồ họa: Anh Tú](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/07/23/tai-xuong-1753241472-4107-1753241501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ilS0aPCo9QrDX7Bsv_VfDw)
]Đề xuất của Bộ Tài chính về tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản. Đồ họa: Anh Tú
Cùng chung hoài nghi về hiệu quả chống đầu cơ của đề xuất trên, bạn đọc Bla Bla phân tích: "Nhu cầu cao nhưng toàn là của đầu cơ ôm hàng, người dân có nhu cầu ở thực thì kiếm từng đồng mà dân đầu cơ bỏ tiền cọc rồi 'lướt sóng' ăn chênh cả trăm triệu, cả tỷ đồng. Tôi vẫn cho rằng nên đánh thuế trên số lượng bất động sản sở hữu hoặc đánh thuế trên người mua (người mua miếng đất thứ hai sẽ chịu mức thuế cao hơn khi mua lần đầu). Như vậy cùng một miếng đất nhưng với những người mua khác nhau sẽ có những mức thuế khác nhau. Việc này vừa tạo nguồn thu bền vững hơn cho ngân sách nhà nước, vừa đánh đúng vào mục đích người mua và tránh đầu cơ".
>> Nỗi lo người mua nhà gánh hết thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản
Trong khi đó, với quan điểm khác, độc giả TTN bày tỏ lạc quan về hiệu quả của chính sách thuế 20% trên lãi chuyển nhượng: "Mục đích là chống đầu cơ thì cần tránh mua đi bán lại trong thời gian ngắn. Đề xuất này đánh vào lợi nhuận là đã giảm thiệt hại cho người mua có mục đích ở nhưng cần tiền phải bán. Mức thuế 20% lợi nhuận vẫn là thấp để triệt tiêu hoàn toàn nạn đầu cơ, nhưng đó là bước khởi đầu tốt.
Khi bất động sản có 'sóng', giới đầu cơ sẽ vay mượn và bán nhanh để kiếm lời. Ví dụ, một người đầu cơ có 5 tỷ, đặt cọc ba nền đất (mỗi nền 5 tỷ) và sau đó đẩy giá bán lên 6 tỷ, thì khi sang tay lời ngay 3 tỷ, trừ thuế 2% là 360 triệu đồng thì vẫn còn lời hơn 2,6 tỷ. Nếu bị áp thuế 20%, họ sẽ mất đi 600 triệu đồng, vẫn còn lời 2,4 tỷ. Tuy nhiên, khi áp thuế cao thì rủi ro không bán được cũng cao và chịu khoản vay ngân hàng vài năm.
Tuy nhiên, có thể thấy, mức thuế này vẫn khiến nhà đầu tư lướt sóng có lời. Muốn chống lướt sóng trong hai năm đầu, theo tôi phải đánh thuế cao hơn (ít nhất 50% lãi chuyển nhượng) thì người đầu cơ mới không có lời nữa. Ai có mục đích đầu tư dài hạn như mua cho thuê và 10 năm sau mới bán cũng sẽ không thấy hấp dẫn bằng những cơ hội đầu tư khác. Những người có đất thì cứ ôm đất còn người mua đầu cơ ngắn hạn sẽ không còn. Người thực sự có nhu cầu cần mua sẽ phải mua thôi nhưng sẽ vắng những cơn sốt'.
"Một bất động sản lướt sóng càng nhiều và càng cộng thêm vào giá bán thì tự nhiên giá bán sẽ cao hơn những căn bên cạnh, khiến giao dịch bị 'đóng băng'. Trừ khi tất cả những căn gần đó điều bị lướt sóng, tạo ra một 'bong bóng' giá. Nhưng nếu xảy ra hiện tượng đó thì giá vẫn vượt qua mức có thể chi trả của người dùng cuối, và họ sẽ chọn những khu khác.
Ngay cả khi người dùng cuối vẫn chấp nhận giá đó, thì ngân sách nhà nước vẫn thu được thuế và có thể dùng nguồn tiền này để xây dựng các khu nhà ở xã hội giá phù hợp hơn cho người dân. Những người bỏ tiền thật đầu tư bất động sản chắc chắn biết điều đó nên sẽ cân nhắc vì có thể khiến dòng tiền của họ bị 'giam' trong tương lai khi chính sách thay đổi, dòng tiền buộc phải thay đổi qua những nơi khác có lợi nhuận tốt hơn", bạn đọc Dimetylete bổ sung.
Làm gì để việc áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng đạt hiệu quả tốt nhất? Độc giả Tuanhuyen gợi ý một số giải pháp đi kèm: "Luật thuế bất động sản rất hay và ý nghĩa, nhằm khắc phục tình trạng đẩy giá nhà lên cao phi lý và đem lại môi trường lành mạnh, cơ hội cho các cá nhân hộ gia đình có nhu cầu chính đáng về chỗ ở. Tuy nhiên, cần làm rõ vấn đề sau:
Thứ nhất, nên quy định thống nhất cho phép nhà nước chọn phương án đánh thuế theo nguyên tắc: mức nào cao hơn sẽ được cơ quan thuế áp dụng. Lý do: tránh tình trạng người mua và người bán thông đồng kê khai giá trị mua nhà thấp hơn thực tế; tránh được tiêu cực thông đồng của ba bên (người mua, người bán, và cán bộ liên quan).
Thứ hai, nên có quy định riêng đối với các trường hợp gia đình thừa kế về mức đóng thuế. Các trường hợp này nên giữ nguyên mức thuế 2% để tạo điều kiện cho người dân thu nhập thấp tiếp cận tài sản thừa kế của gia đình. Trường hợp này nên quy định rõ ràng thế nào là người trong gia đình?".
- Lỗ hổng thuế bất động sản thứ hai từ 2.300 lô đất của Hậu 'Pháo'
- 'Hạn chế đầu cơ bất động sản bằng thuế theo thời gian sở hữu'
- Anh thợ cắt tóc 'lướt sóng' chung cư - mua 3,2 tỷ, bán 3,8 tỷ
- Đánh thuế nhà đất theo năm sở hữu
- 'Nhịn đau' đánh thuế mua bán bất động sản theo năm sở hữu
- Người vay mua đất lo 'chết cứng' vì đánh thuế theo thời gian sở hữu