Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi trình bày báo cáo đánh giá bổ sung thực hiện kinh tế xã hội 2024, kế hoạch những tháng đầu năm 2025, tại phiên khai mạc kỳ họp 9, sáng 5/5.
Ông cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao, sau đó hoãn 90 ngày với các đối tác thương mại (trừ Trung Quốc) và mức thuế tạm áp dụng là 10%. Việc này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh này, theo Thủ tướng, Việt Nam đã bình tĩnh, chủ động tiến hành nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong 6 nước được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán. "Việt Nam đã bắt đầu đàm phán với Mỹ, dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra ngày 7/5", Thủ tướng nói.
Hôm 1/5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc đàm phán với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, cũng như không làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kinh tế xã hội 2024, kế hoạch 2025, sáng 5/5. Ảnh: Giang Huy
Theo số liệu thống kê, trong quý đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ nước này 4,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Theo Thủ tướng, do ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ, một số lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, gỗ nội thất...) chịu ảnh hưởng bất lợi, trong khi sức mua trong nước phục hồi chậm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Nguyên nhân của hạn chế gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành. Với độ mở kinh tế lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.
"Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp", Thủ tướng nhìn nhận.
Trước bối cảnh ảnh hưởng thuế quan của Mỹ, Chính phủ theo dõi sát tình hình, chủ động và phản ứng chính sách linh hoạt, nhất là với thuế quan mới của Mỹ. Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ được Chính phủ sớm ban hành, cùng với việc tăng kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cũng như mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Song song đó, các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ cũng được Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương xây dựng, triển khai.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 thế giới) và GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.
Để đạt mục tiêu trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi lên 4-4,5% GDP khi cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng cho đầu tư phát triển.
Chính phủ cũng tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Giải ngân vốn đầu tư công - vốn là điểm nghẽn lâu nay - sẽ được đẩy nhanh từ đầu năm, nhất là tại các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha. Ủy ban Kinh tế và Tài chính khi thẩm tra ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến và có hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phòng, chống buôn lậu, Thủ tướng nói Chính phủ kiên quyết xử lý tận gốc việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, cũng như ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ được bỏ, giảm ít nhất 30%.
Cùng với đó, Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về xây dựng, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, sản xuất, cung ứng toàn cầu.
"Nền kinh tế sẽ xác lập theo mô hình mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính", Thủ tướng nói.
Nhìn lại năm 2024, Thủ tướng cho biết kinh tế phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,09%, cao nhất khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Quy mô kinh tế Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc và đứng thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao (4.500 - 12.000 USD). Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%.
Thu ngân sách năm ngoái đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với dự toán, vượt 342.700 tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là quản lý thị trường vàng còn bất cập.
Theo ông, giá vàng trong nước đang trải qua những biến động khó lường, với những đợt tăng phi mã lên đỉnh lịch sử rồi lại sụt giảm nhanh chóng. Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có thời điểm ở mức rất cao, tạo không ít lo ngại về những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. "Sự bất ổn này không chỉ gây ra rủi ro lớn cho người dân nắm giữ vàng mà còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính và tâm lý nhà đầu tư", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận xét.
Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu mặc dù có chuyển biến nhưng còn chậm, nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 2, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không gồm 5 ngân hàng MBV, Dầu Khí Toàn Cầu, NCBNeo, Vikki Bank, Sài Gòn ) ở mức 1,88%, cao hơn mức 1,58% tại thời điểm cuối năm ngoái. Ông Mãi đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Việc này nhằm đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ đã từng bước xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng còn chậm. Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn, trên 130.000 tỷ đồng đến hạn trong năm nay, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn. Với thời gian còn lại của năm nay, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó có giải pháp giải quyết thủ tục dự án, cơ chế để khu vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư công...
Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng cần sớm có những chính sách ứng phó hiệu quả với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi, cùng với những tác động từ chiến tranh thương mại, cạnh tranh chiến lược và việc tinh gọn bộ máy hành chính.
Anh Minh