Trước khi Thiếu Lâm tự bị nhắc đến liên tục do cảnh sát điều tra trụ trì Thích Vĩnh Tín, ngôi chùa này từng được người dân Trung Quốc và những ai yêu mến võ thuật ngưỡng mộ. Được biết đến là nơi đào tạo ra nhiều bậc thầy võ thuật và là cái nôi của kungfu Thiếu Lâm, chùa là một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật của đất nước. Thiếu Lâm cũng là một trong những môn phái được nhắc đến nhiều nhất trong các bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Kim Dung như Thiên Long Bát Bộ hay Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Ngôi chùa Phật giáo này nằm trên núi Tung Sơn, một trong 5 ngọn núi thiêng (ngũ nhạc danh sơn) của Trung Quốc, thuộc thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam và được thành lập vào năm 495 theo lệnh của hoàng đế nhà Ngụy Hiếu Văn Đế.
Cấu trúc ban đầu của chùa được đánh giá đơn giản, nhưng sau mỗi triều đại kế tiếp, chùa ngày càng trở nên rộng lớn. Nhiều công trình hiện tại có từ thời nhà Minh (1368 - 1644) và Thanh (1644-1912).

Các nhà sư Thiếu Lâm đang biểu diễn kungfu (võ công) tại Rừng Tháp. Ảnh: Xinhua
Các tòa nhà quan trọng được xây dựng dọc theo trục trung tâm, gồm cổng chùa, tháp chuông và trống, điện Thiên Vương, điện Pháp, phòng của Trụ trì, nhà lưu giữ Kinh. Tòa nhà lớn nhất của quần thể là điện Thiên Phật, bên trong được trang trí bằng những bức tranh tường, được bảo tồn tốt đến nay. Các tòa nhà được làm bằng gỗ và đá và có ngoại thất sơn màu đỏ với điểm nhấn màu xanh lá cây.
Gần chùa Thiếu Lâm là một trong những di sản kiến trúc được mệnh danh "vĩ đại nhất Trung Quốc", Rừng Tháp, với 246 ngôi mộ được đánh dấu bằng các bảo tháp đa dạng. Sự đa dạng về kiến trúc này cùng với tầm quan trọng của chùa là nơi khai sinh của Thiền tông, đã giúp Thiếu Lâm tự trở thành một trong những di tích Phật giáo quan trọng nhất của Trung Quốc. Năm 2010, chùa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới cùng với một số di tích lịch sử khác của Đăng Phong, nằm dưới chân núi Tung Sơn.
Chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam. Video: YouTube/Lucas' World
Du khách đam mê tiểu thuyết, phim cổ trang Trung Quốc đều biết đến câu nói nổi tiếng "thiên hạ công phu xuất thiếu lâm", nghĩa là mọi võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ môn phái này. Quyền thuật Thiếu Lâm được biết đến là "nhẹ như mèo, vọt như hổ, đi như rồng, động như chớp, tiếng như sấm". Môn phái này cũng có nhiều bài quyền nổi tiếng như Mai Hoa quyền, Ngũ hình quyền, Trường quyền, La Hán quyền.
Với mức độ nổi tiếng và lịch sử lâu đời, là một trong những điểm đến du lịch hút khách tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chùa dưới thời Thích Vĩnh Tín từng mang nhiều tai tiếng. Năm 2015, Thích Vĩnh Tín và Thiếu Lâm tự gây tranh cãi khi công bố kế hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn 297 triệu USD tại Australia, gồm một ngôi chùa, học viện kungfu nội trú và sân golf.
Hiện tại, chùa mở cửa một phần diện tích đón khách tham quan. Nơi nổi tiếng nhất với phần lớn du khách Việt là Tàng Kinh các, cái tên được nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết của Kim Dung.
Các nhà sư biểu diễn võ thuật tại Thiếu Lâm tự, tỉnh Hà Nam. Video: YouTube/New China TV
Tàng Kinh các (hay nhà lưu giữ kinh), lưu giữ bộ sưu tập khổng lồ gồm hàng nghìn kinh sách, bao gồm Trung Hoa Đại Tạng Kinh (Tam Tạng Kinh), Càn Long Đại Tạng Kinh (Long Kinh), Đại Chính Tạng (Thái Chính Kinh), Cao Lý Tạng (Hàn Quốc Kinh), và nhiều kinh sách khác. Theo ghi chép lịch sử, nhà lưu giữ kinh ban đầu được xây dựng vào thời kỳ Trị Chính của triều Nguyên (1341-1368). Nhà lưu niệm hiện tại, dựa trên mô tả có sẵn trong các tài liệu lịch sử, được thiết kế và xây dựng lại tỉ mỉ trên cùng địa điểm từ năm 1992 đến năm 1993, theo CGTN.
Một số điểm tham quan nổi bật khác của Thiếu Lâm tự còn có Sơn môn hay cổng chùa, được xây từ năm 1735, trùng tu năm 1974, có hai tượng sư tử đá thời Thanh trấn giữ lối vào chính, trên mái có bút tích của Khang Hy đế, thể hiện sự trọng thị của triều đình khi xưa.
Điện Thiên vương thờ Tứ Đại Thiên Vương (Đa Văn, Trì Quốc, Quảng Mục, Tăng Trưởng) và hai tượng Kim Cang hộ pháp. Màu chủ đạo đỏ - xanh lục nơi đây tạo không gian trang nghiêm, mở đầu cho hành trình tâm linh trong chùa.
Đại hùng bảo điện hay chính điện của chùa, được xây vào năm 1986, thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Dược Sư và A Di Đà cùng Quân Âm và 18 vị la hán - biểu tượng cho sự giác ngộ, từ bi.
Điện Lục Tổ thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma cùng 5 vị tổ sau này, tượng trưng cho sự truyền thừa của Thiền tông Trung Quốc. Bức phù điêu "Tổ sư Tây quy" trên vách tây tái hiện chuyến trở về Ấn Độ của Đạt Ma. Tương truyền sau 32 năm chùa được xây dựng, nhà sư Ấn Độ Bồ đề Đạt ma đến đây sinh sống và từ đó trở đi, ngôi chùa được mở rộng, số lượng các nhà sư cũng tăng lên và danh tiếng ngày càng lan rộng. Bồ đề Đạt ma cũng là nhân vật huyền thoại, nổi tiếng và được tôn kính nhất tại Thiếu Lâm tự.
Gắn liền với vị Đạt Ma còn có động Đạt Ma, nằm trên sườn núi, được cho là chốn Đạt Ma thiền định suốt 9 năm. Đây là điểm hành hương tâm linh quan trọng, thu hút người học Phật và yêu Thiền tông từ khắp nơi trên thế giới.
Tháp chuông - trống cao 4 tầng, được trùng tu vào những năm 1990, nơi các nhà sư đánh chuông, trống mỗi ngày và đánh dấu thời điểm các khóa tu học tại chùa.
Điện thiên Phật trưng bày các bức bích họa từ thời Đường, nổi bật là tích "13 tăng nhân cứu vua Đường". Tượng Phật Tỳ Lô Giá Na và Thích Ca ngự giữa điện, toát lên vẻ trang nghiêm thanh tịnh. Du khách cũng nên ghé Bảo tàng Thiếu Lâm, nơi diễn ra các buổi biểu diễn võ thuật, giờ mở cửa từ 9h15.
Chùa Thiếu Lâm còn là trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn với các đơn vị trực thuộc như Cục Y dược Thiếu Lâm, Hiệp hội Nghiên cứu Kungfu Thiếu Lâm, Đội võ tăng biểu diễn. Tại đây, du khách có thể tham quan Rừng Tháp (Pagoda Forest), động Đạt Ma và điện thờ sơ tổ – những nơi lưu giữ dấu tích Phật giáo và võ học qua nhiều thế kỷ.
Năm 2004, bang California, Mỹ, còn chọn ngày 21/3 là "Ngày Chùa Thiếu Lâm Tùng Sơn", nhằm vinh danh tầm ảnh hưởng của ngôi chùa trong việc quảng bá Thiền học và võ thuật ra thế giới, theo Wild Great Wall Adventure tours.

Chùa Thiếu Lâm vào mùa thu. Ảnh: Trip.com
Giá vé vào chùa là 80 tệ (gần 300.000 đồng). Du khách đến đây ngoài vãn cảnh chùa có thể tham gia lớp học võ Thiếu Lâm chính thống hoặc xem các buổi biểu diễn võ thuật. Thời gian lý tưởng để đến thăm chùa là từ tháng 3 đến 11, khi thời tiết thuận lợi. Du khách nên dành từ nửa đến một ngày lưu lại chùa để tham quan, theo gợi ý từ các công ty du lịch địa phương.
Thời gian mở cửa đón khách của chùa từ 7h30 đến 18h (tháng 3-11) và 8h-17h30 (từ tháng 12-2). Du khách có thể đặt tour để đến chùa, hoặc bắt xe buýt, taxi từ thành phố Trịnh Châu (cách 90 km), Lạc Dương (55 km) và trung tâm Đăng Phong (15 km).
Anh Minh (Theo SCMP, Britannica, China Discovery)