" Mục đích của việc học lý thuyết lái xe là làm sao để người học nhận biết tình huống giao thông dễ hiểu nhất, nhanh nhất khi tham gia giao thông, qua đó hạn chế tai nạn giao thông, chứ không phải thi thố khả năng giải đề thi lý thuyết giao thông. Trước các tình huống thực tế, người lái xe chỉ có mấy giây để xử lý, không thể đợi mở tài liệu ra xem lại rồi mới đi tiếp. Nếu chỉ vì tránh học mẹo mà tăng độ khó câu hỏi thì e rằng sẽ có nhiều người thi rớt vòng lý thuyết".
Đó là câu hỏi của độc giả Ngô Thành Phúc về bộ đề lý thuyết sát hạch lái xe mới gồm 600 câu do Cục CSGT biên soạn chính thức được áp dụng từ 1/6. Trong đó có gần 180 câu được sửa đổi, bổ sung và soạn mới, số còn lại giữ nguyên. Các câu hỏi chia thành 6 chương gồm: quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ, văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái, cấu tạo và sửa chữa, báo hiệu đường bộ và giải thế sa hình, kỹ năng xử lý tình huống. Theo đó, bộ đề có nhiều câu hỏi đáp án na ná nhau, yêu cầu người học phải hiểu được tình huống, sa hình để chọn câu đúng.
"Cá nhân tôi nghĩ bộ câu hỏi cần phải sát thật sát với thực tế và thậm chí phải đơn giản nhất có thể. Mục tiêu cuối cùng là người tham gia giao thông không phạm lỗi khi lái xe mà thôi", bạn đọc Phucld nói thêm.
>> 'Sát hạch lái xe mô phỏng kiểu dùng mẹo để thắng'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Peteehouse ủng hộ việc tăng độ khó bài thi lý thuyết sát hạch lái xe: "Tôi có bằng lái ở Đức. Học lý thuyết tại đây gồm 1.300 câu hỏi, không thể học mẹo, học vẹt được vì đề thi làm gì có cấu trúc cố định nào. Thi xong lý thuyết mới tới thực hành, tôi vã cả mồ hôi mới được đi thi. Đến lúc thi, thầy trò ra đường, sai một lỗi phạt trực tiếp là rớt và thi lại. Ngặt nghèo như thế nên người ta mới chạy được cao tốc 200 km/h. Mọi tai nạn giao thông đều lỗi do con người. Học kỹ, thi khó thì sau này người lái sẽ không hại nhà người khác và ngược lại. Như rất nhiều tai nạn thương tâm vừa qua cũng một phần do học nhẹ, thi dễ. Riêng việc tăng độ khó sát hạch lái xe thì tôi hoàn toàn ủng hộ".
Chỉ ra những lợi ích của việc giảm 'ôn mẹo, học vẹt' khi thi bằng lái xe với bộ đề mới, độc giả Minhnhutnguyen nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn nhất trí ủng hộ tăng độ khó bài thi lý thuyết sát hạch lái xe. Các bạn học luật thì phải hiểu nội hàm của luật, có như thế mới nhớ lâu và vận dụng cho các vấn đề liên quan trong thực tế. Chứ nếu học luật mà học mẹo, học vẹt như trước giờ thì chẳng có ý nghĩa gì. Khi học bằng lái xe, tôi đã từ chối thầy dạy mẹo, vì học cũng như không, không thể chấp nhận được".
"Ủng hộ việc sửa bộ đề thi lý thuyết sát hạch lái xe. Tôi cực kỳ dị ứng với việc học mẹo, học tủ và nhan nhản các quảng cáo của các trung tâm dạy lái xe hiện nay. Học lý thuyết là để áp dụng thực tế, phải hiểu mới áp dụng được và tránh bị lỗi (nhất là dính tới tốc độ, đường cấm, tải trọng...). Còn học kiểu học mẹo, học tủ, tình huống và biển báo không hiểu, chỉ biết chọn đáp án thì sau này ra đường sẽ rất nguy hiểm", bạn đọc Trí Nguyễn nói thêm.
Nói về giải pháp chống học mẹo, thi mẹo sát hạch lái xe bên cạnh việc tăng độ khó đề thi, độc giả Hải Minh đề xuất: "Câu hỏi sửa thế nào thì đáp án cũng chỉ có một vị trí câu trả lời thôi, hiện giờ không có mẹo nhưng sau này sẽ có. Muốn ngăn tình trạng này thì phần mềm phải tráo đổi vị trí câu trả lời, chứ giờ vẫn đơn giản lắm, 600 câu tôi chỉ cần một ngày là nhớ hết".
Có cùng suy nghĩ, bạn đọc Hoàng Nam bình luận: "Theo tôi, để tránh học mẹo một số câu tự động chọn phương án A, B... thì nên áp dụng xáo trộn đáp án chính xác, không cố định một vị trí. Ví dụ, cùng một bộ đề, thi lần một sẽ có đáp án đúng là A, nhưng thi lần hai cũng câu đấy lại để đáp án đúng là B... Cái này phần mềm làm rất dễ chứ không hề phức tạp mà lại hiệu quả cao".
- Lấy bằng lái xe - 'học mẹo, thi minh họa'
- 'Thi bằng lái xe máy cần khó hơn nữa'
- 'Có bằng lái ôtô dưới một năm không được vào cao tốc'
- 'Thay cơ quan quản lý sát hạch lái xe không làm giảm tai nạn'
- 'Bảo bối' trừ điểm bằng lái xe
- 'Lùi chuồng' ngoài phố khác xa sa hình