Tôi đi xe máy, cứ chạy đúng 1.500 km là thay nhớt máy. Trời mưa gió, buổi chiều tối tôi cũng cố gắng chạy ra tiệm thay, chứ không là bứt rứt không yên. Nhưng trên đời này sợ cái gì thì gặp cái ấy.
Bữa đó tiệm mối quen của tôi đóng cửa, tôi đi thay tiệm khác. Vì không có nhớt thương hiệu tôi thường dùng, nên thợ khuyên tôi dùng nhớt nhập từ Singapore, giá 180 nghìn đồng, "loại này còn tốt hơn loại anh đang dùng, chạy 3.000 km màu nhớt vẫn còn vàng".
Thợ vừa khui ra là tôi thấy nhớt có mùi tanh kỳ lạ. Tôi cũng nghĩ chắc do công thức pha chế mỗi hãng khác nhau, không để ý nhiều. Với lại tôi cứ nghĩ dầu nhớt có mùi cũng không vấn đề gì.
Xe chạy được nửa tháng, đang bon bon giữa đường bỗng khựng lại, máy đơ cứng. Đem lại tiệm quen thì thợ nói xe bị lột dên làm tôi đứng hình. Sửa mất hơn 400 nghìn đồng. Anh thợ này chắc nịch: "Anh xài trúng nhớt giả rồi, bây giờ không để ý là đi bụi như chơi".
Tôi uất ức, không biết bắt đền ai. Trước đây, mỗi lần thay nhớt, tôi hay xin lại nhớt thải về để tra xích xe đạp, bôi trơn bản lề cửa sắt ở nhà.
Có lần tôi hỏi thợ thì được biết, nhớt cũ nhiều người tới mua, không biết để làm gì. Từ đó, tôi mới nghĩ: Nếu nhớt thải có giá, vỏ chai nhớt cũ có người gom, thì việc tái chế để làm nhớt giả không phải là chuyện lạ.
Hồi trước tôi từng thay loại nhớt mà hãng có in dòng chữ "đục hoặc cắt chai sau khi sử dụng để chống hàng giả". Lúc đó tôi tưởng chỉ là hình thức, giờ thì hiểu rõ ý nghĩa, mà lạ là tôi đâu thấy thợ nào làm như khuyến cáo.
Một vỏ chai nhớt cũ, nếu không phá hủy, hoàn toàn có thể được rót đầy lại, dán tem mới, bán với giá y như hàng thật.
Người tiêu dùng như tôi, nhiều khi cứ tưởng mình kỹ lưỡng, ai dè vẫn dính bẫy. Không phải vì thiếu cẩn thận, mà vì không biết phải cẩn thận với điều gì. Mùi tanh của nhớt, tem mác không rõ ràng, nắp chai có dấu hiệu bị bung... toàn là những dấu hiệu nhỏ nhưng dễ bỏ qua.
Người tiêu dùng, nên học cách quan sát từng chi tiết nhỏ, bất thường để tự bảo vệ mình. Giá như hôm đó tôi quyết liệt khi ngửi thấy mùi tanh, thì đâu đến nỗi như vậy.
Hùng Mai