Trong khi nhiều người bất ngờ khi Thanh Hóa liên tiếp lọt top doanh thu du lịch vào mỗi kỳ nghỉ lễ lớn, thì với tôi, một người theo dõi du lịch Việt Nam trong nhiều năm, điều này hoàn toàn dễ hiểu.
Dịp 30/4 vừa qua, Thanh Hóa đứng thứ hai cả nước (chỉ sau TP HCM) về doanh thu du lịch, thu về gần 4.200 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ. Con số này thậm chí vượt cả Hà Nội. '
Năm 2024, Thanh Hóa đứng top 1 cả nước về doanh thu du lịch. Những điều này nói lên rằng đây không còn là hiện tượng, mà là kết quả của một quá trình chuyển mình có chiến lược, bài bản và bền bỉ.
Nếu chỉ xét riêng từng yếu tố, như chất lượng bãi biển, mức độ phát triển dịch vụ, hay danh tiếng thương hiệu, Thanh Hóa có thể chưa phải là điểm đến số một. Nhưng điểm sáng của du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là Sầm Sơn, nằm ở sự tổng hòa hợp lý của tất cả những yếu tố đó. Và quan trọng hơn cả, là sự cầu thị của địa phương khi chấp nhận thay đổi để phát triển, thay vì ngủ quên trên lợi thế tự nhiên.
Bãi biển Sầm Sơn không phải đẹp nhất Việt Nam, nước biển không trong xanh như Nha Trang, cát không mịn như Phú Quốc, nhưng lại có điểm mạnh riêng: bãi dài, thoải, sóng lớn nhưng an toàn, đúng tiêu chí đi tắm biển mà phần lớn du khách miền Bắc mong muốn.
So với Cửa Lò hay Đồ Sơn, nước biển ở đây cũng sạch và có màu xanh dễ chịu hơn. Ngoài ra, khí hậu đầu hè ở miền Bắc rất thuận lợi để du lịch biển, trong khi nhiều điểm đến phía Nam lại bước vào mùa mưa.
Một điểm cộng lớn khác là hạ tầng dịch vụ ở Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tình trạng chặt chém, từng là nỗi ám ảnh với không ít du khách, đã được mạnh tay chấn chỉnh. Giá cả ổn định, dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Sầm Sơn. Du khách giờ đây không chỉ đến để tắm biển, mà còn có thể trải nghiệm các khu vui chơi, giải trí, tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn, sánh ngang với các điểm đến cao cấp khác.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá vé máy bay liên tục tăng cao, việc di chuyển đến Thanh Hóa, chỉ cách Hà Nội vài giờ đi xe, lại trở thành một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Đây chính là lựa chọn tối ưu cho hàng triệu du khách miền Bắc muốn tận hưởng kỳ nghỉ biển mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí.
Tuy nhiên, bài học từ sự trỗi dậy của du lịch Thanh Hóa không chỉ là bài học về địa lý hay hạ tầng. Đó là câu chuyện của việc biết nhìn lại chính mình, sẵn sàng thay đổi để phát triển bền vững. Địa phương này đã chứng minh rằng, một điểm đến từng bị đánh giá thấp hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu nếu biết đầu tư đúng chỗ và đặt trải nghiệm du khách làm trung tâm.
Và ở chiều ngược lại, sự thành công này cũng là lời cảnh tỉnh cho những địa phương có điều kiện tương đương hoặc vượt trội nhưng vẫn chưa bứt phá. Du lịch không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào thiên nhiên ban tặng. Tâm lý đến một lần cho biết của khách du lịch rất dễ biến thành "một đi không trở lại" nếu chất lượng dịch vụ không theo kịp nhu cầu ngày càng cao.
Chặng đường phía trước còn dài, điều khiến du khách quay lại không phải là biển đẹp, mà là cách mà họ được đón tiếp, phục vụ, trân trọng. Một khi niềm tin được xây dựng từ trải nghiệm thực tế, thì không cần quảng cáo rầm rộ, du khách vẫn sẽ tự tìm đến.
Và khi làm tốt, kết quả sẽ không còn là chuyện bất ngờ.
Thanh Hà