Vụ tai nạn hàng hải nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận. Trên mạng xã hội, những bình luận thể hiện tiếc thương và chỉ trích đan xen. Nhiều người đặt câu hỏi "Tại sao lại đi chơi giữa lúc trời báo bão?", "Biết nguy hiểm mà vẫn ra khơi?". Một bộ phận khác kêu gọi "ngưng phán xét", "hãy để họ yên nghỉ", chia sẻ hình ảnh trời quang mây tạnh trước khi giông bão bất ngờ ập đến, như một cách minh oan cho người đã khuất.
Thậm chí, một cô gái là người thân của 6 nạn nhân đã phải lên tiếng cầu xin mọi người ngừng đổ lỗi. Gia đình cô có 8 người đi trên chuyến tàu định mệnh, 6 người đã không trở về. Mẹ và em trai may mắn sống sót.
"Không chỉ gia đình mình mà tất cả người thân của các nạn nhân trên chuyến tàu đó đều rất đau xót nên mong mọi người hãy đồng cảm và bớt chỉ trích. Chuyện xui rủi không ai muốn cũng đã đến rồi, làm ơn đừng trách móc thêm nữa", cô viết.
Bài đăng thu hút 650.000 lượt xem với hàng nghìn bình luận.

Anh Đặng Anh Tuấn hiện được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Duy Anh
Trước làn sóng đổ lỗi cho các nạn nhân lan rộng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu thời tiết và cảnh báo thiên tai cực đoan - đã lên tiếng với bài viết "Nạn nhân không có lỗi" trên trang cá nhân.
Trong bài viết, chuyên giải thích loạt thắc mắc được dư luận đặt ra sau vụ lật tàu: Vì sao vẫn đi biển khi bão sắp vào? Vì sao không cấm tàu? Vì sao không mặc áo phao? Và tại sao không dự báo được giông lốc sớm hơn?
Với câu hỏi đầu tiên, những du khách trên thuyền rời cảng vào khoảng thời gian buổi trưa. Lúc đó trời đang nắng nóng và không có dấu hiệu của mưa gió. Các bản tin cảnh báo bão cũng nêu rõ ngày 21/7 bão mới vào Vịnh Bắc Bộ. Vì vậy không thể trách nạn nhân rằng cố đi chơi trong khi bão đang vào.
Việc "không cấm biển" không phải do chủ quan. Các bản tin chính thức vào sáng cùng ngày ghi nhận gió nhẹ, cấp 2-3. Đến 13h30, bản tin cập nhật mới ghi nhận "có thể xảy ra mưa lớn và giông lốc". Lúc đó, tàu Vịnh Xanh 58 đã rời bến và cảng đã ngừng cho các tàu khác xuất bến.
Theo thông lệ quốc tế, lệnh cấm biển thường chỉ được ban hành khi tâm bão cách đất liền khoảng 24 giờ để tàu kịp vào nơi neo đậu an toàn.
Về câu hỏi "Vì sao hành khách không mặc áo phao", thông tin từ lực lượng cứu hộ cho biết có đến 80-90% nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng đã mặc áo phao. Điều này cho thấy thuyền trưởng đã phát lệnh an toàn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi mặc áo phao trong khoang kín việc xoay xở và thoát hiểm gần như bất khả thi. Nếu hành khách không lên boong hoặc không mở cửa sổ, áo phao có thể trở thành vật cản.
Ông Huy dự đoán có thể lúc đó trời đổ mưa lớn, gió tạt mạnh, nên các cửa đều bị đóng kín. Đó là nguyên nhân khiến hành khách không thể thoát ra ngoài khi thuyền bị lật.
Câu hỏi cuối cùng "Tại sao không dự báo được giông lốc?". Ông Huy cho biết, cả hai mô hình dự báo mạnh nhất hiện nay là GFS (Mỹ) và ECMWF (châu Âu) đều không cảnh báo ở Vịnh Hạ Long từ 12h đến 14h ngày 19/7. Trong khi đó, ảnh vệ tinh và radar có thể phát hiện cụm mây giông vào khoảng 14h - tức là khi phát hiện đồng nghĩa là cơn giông đã xảy ra.
"Cơn giông chiều 19/7 là một siêu mây giông hiếm gặp. Tình huống lật tàu Hạ Long hy hữu và có thể có lốc xoáy tại chỗ. Gặp lốc xoáy thì dù thuyền hiện đại và thuyền trưởng có kinh nghiệm cũng không xử lý được", chuyên gia thời tiết hơn 20 năm kinh nghiệm nói.
Khi nỗi đau chưa kịp nguôi, đã phải gánh thêm lời buộc tội, không chỉ là chuyện sau một vụ lật tàu. Đó là mô thức quen thuộc trong xã hội, thay vì nhìn vào nguyên nhân sâu xa, chúng ta lại nhìn vào nạn nhân. Không ít người dường như tin rằng nếu ai đó gặp nạn, hẳn họ đã sai ở đâu đó.
"Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân phổ biến trong các câu chuyện xâm hại và bạo lực giới. Nhưng khi vụ lật tàu xảy ra, chúng ta nhận ra nạn nhân trong nhiều vấn đề khác cũng có thể trở thành người bị tấn công. Hiện tượng tâm lý này buộc phải được xem xét nghiêm túc", chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Anh - nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và trẻ em vị thành niên (Csaga), cho biết.
Đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) là hiện tượng mà nạn nhân của tội phạm hoặc thảm kịch, thiên tai bị quy trách nhiệm về những gì đã xảy ra với họ. Theo giáo sư tâm lý Sherry Hamby (sáng lập tạp chí Psychology of Violence) niềm tin vào một "thế giới công bằng" khiến nhiều người chọn cách gán lỗi cho nạn nhân để bảo toàn cảm giác an toàn cho bản thân, dù điều đó tước đi sự cảm thông mà người bị hại rất cần.
Các thiên kiến tâm lý như "lỗi quy kết cơ bản" hay "thiên kiến hồi tưởng", sự thiếu thấu cảm cũng góp phần khiến chúng ta phớt lờ hoàn cảnh khách quan, mà quy kết, đổ lỗi cho nạn nhân.

Lực lượng chức năng đưa tàu Vịnh Xanh 58 vào gần bờ và xoay ngược trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong
Là tổ chức về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành và xâm hại, bà Vân Anh cho biết hầu hết nạn nhân đều bị đổ lỗi. Tình trạng này phổ biến tới mức Csaga đã phải tổ chức chương trình can thiệp những vấn đề liên quan đến đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực bị đổ lỗi trên cơ sở giới. Khi có một vụ xâm hại, bạo lực xảy ra, người xung quanh thường nghĩ chắc nạn nhân này phải có gì đó không ổn mới bị đánh, bị hiếp. Họ thường bị chất vấn: "Tại sao người khác không bị mà cô lại bị?". Họ thường bị quy kết là "lắm lời", "khêu gợi", "đi đêm", "cần nhìn lại mình".
Chính vì nỗi sợ bị kết tội đã khiến nạn nhân đã chọn cách im lặng. Và trong thời đại mạng xã hội, cuộc tấn công này trở nên nghiêm trọng.
"Sự đổ lỗi như giông lốc trong lòng người, không xuất hiện trên bất kỳ radar nào, nhưng có thể tàn phá niềm tin, danh dự và khả năng hồi phục của người gặp nạn và gia đình họ", nhà tâm lý nói.
Thay vì đổ lỗi, chúng ta cần hành động khác đi. Nếu thấy ai đó không biết bơi, hãy dạy bơi. Nếu biết kỹ năng đi tàu hãy chia sẻ. Nếu lo người khác không lường được thời tiết, hãy chia sẻ kiến thức.
Dù là một mẹo thoát hiểm, một dòng tin cảnh báo, hay một sự đồng cảm đều giá trị hơn rất nhiều so với những lời chỉ trích, đổ lỗi, đặc biệt là khi nhắm vào những người yếu thế, người đã không còn cơ hội để giải thích hay tự vệ.
"Nếu không thể giúp đỡ, hãy im lặng. Nếu buộc phải lên tiếng, hãy chắc rằng lời nói của mình giúp người khác đứng dậy, chứ không làm họ ngã thêm một lần nữa", chuyên gia Nguyễn Vân Anh nói.
Phan Dương