"Cách đây ba tuần, tôi ra siêu thị mua một quả sầu riêng gần 3 kg với giá 390.000 đồng, tức 130.000 đồng một kg. Một người bạn của tôi, quê Tiền Giang, nói rằng 'lúc đó giá sầu riêng tại vườn chỉ khoảng 45.000 đến 60.000 đồng một kg, tùy loại. Có nghĩa là từ khi rời khỏi vườn đến khi nằm trên kệ hàng để đến tay người mua, giá mỗi kg sầu riêng đã tăng lên gấp khoảng ba lần.
Đó là con chưa kể, hàng loại một, chất lượng chuẩn nhất, ngon nhất, người ta đã ưu tiên đóng hàng để xuất khẩu ra nước ngoài rồi. Còn hàng bán nội địa chủ yếu là loại kém hơn. Vậy mà khi đến tay người tiêu dùng, giá nông sản lại tăng hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, chi phí đội lên quá nhiều. Quả là một thực tế rất khó chấp nhận".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguyen.cattuong trước thông tin giá sầu riêng lao dốc. Cụ thể, sầu riêng Ri6 tại vườn chỉ còn 35.000 đến 40.000 đồng một kg, bằng một phần ba so với cùng kỳ 2024. Trong khi đó, sầu riêng Monthong (Thái) cũng giảm sâu, dao động 60.000 đến 70.000 đồng một kg. Nhiều vựa đã ngưng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua nhỏ giọt để phục vụ thị trường nội địa. Nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh là do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam - siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Huy Trinh chỉ ra bất cập khi người tiêu dùng trong nước luôn phải mua nông sản giá cao: "Rất nhiều lần thị trường nói giá nông sản như sầu riêng, mít, thanh long... giảm giá, lao dốc... Nhưng cuối cùng thì người tiêu dùng trong nước vẫn chẳng mấy khi được hưởng lợi vì giá giảm không đáng kể. Chưa kể sản phẩm tốt đã được đem đi xuất khẩu, còn hàng loại hai mới được đưa ra thị trường nội địa. Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng thật sự là rau củ quả và trái cây trong nước của chúng ta có giá không hề rẻ so với thu nhập bình quân đầu người".
>> Điệp khúc 'giải cứu' nông sản Việt
Nói về sự chênh lệch trong mức giá nông sản tại vườn và giá người tiêu dùng phải trả, độc giả Nguyenvanthin chỉ rõ: "Tôi thấy sầu riêng đang bán ở chợ Sài Gòn vẫn có giá 100.000 đồng một kg. Thế nên, dù giá có lao dốc thế nào thì người thiệt vẫn chỉ là nông dân và người tiêu dùng thôi, còn tiểu thương đứng giữa vẫn kiếm đậm".
"Từ nhiều năm nay, tôi không còn ăn sầu riêng và măng cụt trong nước do giá cao. Thực tế, các nhà vườn và thương lái đều tập trung sản xuất cho xuất khẩu chứ có vẻ ít quan tâm đến thị trường trong nước. Việc kinh doanh cần có lợi nhuận tốt nhất nên họ thích chọn thị trường ngoài nước hơn", bạn đọc Bon Bi bổ sung thêm.
Trong khi đó, chỉ ra yếu tố giúp thị trường nông sản Việt phát triển bền vững, tránh tình trạng thiếu ổn định, độc giả Duy Nam kết lại: "Đã đến lúc thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người Việt, đặc biệt là khâu trung gian thu mua và phân phối. Khi thương lái không bị kiểm soát, họ sẽ mặc sức ép giá nông dân, rồi lại đẩy giá bán ra thị trường để kiếm lời.
Chưa kể, việc quá xem trọng thị trường xuất khẩu, thay vì phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa cũng là con dao hai lưỡi. Năm nào người ta cũng hô hào người dân giải cứu nông sản lúc mất giá, nhưng tại sao không đặt câu hỏi ngược lại là bình thường thì sao người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua giá cao?".
Quan điểm của bạn thế nào?
- Người trồng cà phê quê tôi chuộng loại pha trộn
- Nông dân 'khóc ròng' với Nàng thơm chợ Đào
- 'Tư duy coi trọng thị trường nước ngoài hơn nội địa khiến nông dân nghèo'
- 'Nâng giá lúa, giữ nông dân'
- 'Nông dân không cần bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng'