Một số cá voi săn mồi ở vùng biển Vũng Bồi, Gia Lai và Mũi Điện, Đăk Lăk, nhiều ngày qua khiến người dân và du khách thích thú.
Trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều người rôm rả gọi tên: "biển Gia Lai", "biển Đăk Lăk".
Giữa lúc cả nước vừa sáp nhập tỉnh và câu chuyện cá voi ở biển Gia Lai, Đăk Lăk, tôi nghĩ chúng ta cần một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng và làm mới bản sắc tỉnh thành.
Từ trước đến nay, Gia Lai hiện lên với đất đỏ, cà phê, những nương rẫy nối dài; Đăk Lăk thì gắn với voi, với Buôn Ma Thuột, với Tây Nguyên đại ngàn. Giờ đây, tỉnh mới sẽ cần một cách kể chuyện mới, không chỉ phản ánh sự thay đổi về địa giới, mà còn tạo nên sự gắn kết giữa hai vùng văn hóa.
Những câu hỏi đặt ra cho những người làm du lịch là: Chúng ta sẽ tiếp tục kể chuyện về nơi này như thế nào?
"Biển Gia Lai" hay "cá voi ở Đăk Lăk" cho thấy sự linh hoạt trong cách tiếp cận không gian sống. Nhưng để sự linh hoạt ấy trở thành lợi thế ngay từ đầu, những người làm du lịch cần nghĩ xa hơn, nhất là trong việc tái thiết bộ nhận diện văn hóa - du lịch - kinh tế của tỉnh mới. Từ tên gọi các điểm đến, khẩu hiệu quảng bá, logo biểu trưng cho đến các tour kết nối liên vùng, tất cả đều cần sự chăm chút.
Việc một số địa phương trước đây không có biển, giờ có thể giới thiệu du lịch biển, rõ ràng là cơ hội để mở rộng không gian sinh kế, thu hút đầu tư, phát triển liên kết vùng.
Đây là dịp để tái tạo niềm tự hào, khơi dậy động lực phát triển mới cho cả một vùng rộng lớn.
Bí quyết cốt lõi để kéo và giữ chân du khách vẫn luôn là câu chuyện được kể như thế nào. Và câu chuyện ấy, từ hôm nay, đang cần được viết lại với tất cả sự trân trọng dành cho cái cũ, và khát vọng dành cho cái mới.
Quang Hưng