Không thay miếng bọt biển đúng lúc
Miếng bọt biển dễ trở thành ổ vi khuẩn nếu không được thay định kỳ.
Alessandro Gazzo, chuyên gia vệ sinh tại Emily's Maids (Mỹ), cho biết không cần vứt bỏ miếng bọt biển mỗi tuần vì điều đó lãng phí và không thân thiện với môi trường. Cần thay mới dụng cụ vệ sinh này ít nhất mỗi tháng và vệ sinh hàng tuần bằng cách ngâm trong giấm hoặc cho vào lò vi sóng một phút (chỉ áp dụng với loại không có kim loại).

Ảnh minh họa: Spruce
Dọn dẹp theo một danh sách lặp lại
Việc tuân theo một danh sách kiểm tra vệ sinh cố định có thể khiến bạn bỏ sót nhiều khu vực.
Gazzo khuyên nên duy trì 3-5 nhiệm vụ vệ sinh cố định trong mỗi lần dọn nhà như hút bụi, lau mặt bàn bếp, lau sàn... Sau đó, xen kẽ thêm 5-10 công việc ít thường xuyên hơn như lau ván chân tường, cửa sổ, rèm cửa.
"Cách này giúp đảm bảo mọi ngóc ngách đều được quan tâm mà không khiến việc dọn dẹp trở nên nhàm chán", ông nói.
Bỏ quên vệ sinh thùng rác
Theo Sara Aparacio, chuyên gia tại dịch vụ vệ sinh Homeaglow (Mỹ), nhiều người nghĩ thùng rác chỉ cần thay túi, nhưng thực tế nên được làm sạch thường xuyên.
Chỉ cần rửa bằng nước và xà phòng, sau đó rắc thêm một ít baking soda để khử mùi. "Thùng rác bẩn là nguyên nhân gây mùi và cảm giác khó chịu trong bếp", cô nói.
Lau sàn bếp trước
Sàn là nơi cuối cùng nên được dọn dẹp, bởi trong quá trình lau chùi, bụi bẩn và mảnh vụn sẽ rơi xuống.
"Sẽ rất lãng phí nếu bạn lau sàn rồi lại phải lau lại vì bụi bẩn từ trên bàn bếp, kệ tủ rơi xuống", Aparacio lưu ý.
Không vệ sinh máy rửa chén
Dù là thiết bị hỗ trợ làm sạch, máy rửa chén cũng cần được vệ sinh định kỳ, ít nhất mỗi tháng.
Cách hiệu quả nhất là sử dụng dung dịch chuyên dụng để loại bỏ mùi và cặn bẩn tích tụ ở bộ lọc, vòi phun và ống thoát nước.
Dùng bình xịt vệ sinh sai cách
Aparacio chỉ ra hai lỗi thường gặp: xịt trực tiếp lên bề mặt và lau quá sớm.
"Tốt nhất là xịt dung dịch lên khăn, sau đó mới lau để tránh để lại vệt. Đồng thời, nên để dung dịch ngấm vài phút để phát huy tác dụng tối đa", cô nói.
Nhật Minh (Theo Spruce)