Trong vài năm gần đây, robot hình người đang trở thành xu hướng công nghệ được nhiều quốc gia đẩy mạnh, đặc biệt là Trung Quốc. Với lời hứa hẹn cách mạng hóa ngành dịch vụ, chăm sóc y tế và sản xuất, những cỗ máy này được kỳ vọng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của con người.
Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng tiến gần hơn đến đời sống, những rủi ro tiềm ẩn cũng cần được đặt lên bàn cân.
Theo tôi, những mối lo ngại lớn xung quanh robot hình người như sau:
Thứ nhất, rủi ro từ phần cứng và phần mềm
Dù được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, robot vẫn là một cỗ máy, chúng có thể bị "đơ", lag hoặc thậm chí hỏng hóc theo thời gian. Các cảm biến, bộ xử lý và camera có thể suy giảm hiệu năng, trong khi phần mềm điều khiển không tránh khỏi những lỗi logic.
Đáng lo hơn, ngay cả bản cập nhật hệ thống cũng có thể vô tình gây ra sự cố nghiêm trọng.
Ví dụ, một robot nấu ăn được lập trình để sử dụng dao có thể gây tai nạn nếu phần mềm xử lý hình ảnh bị lỗi. Chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thứ hai, khó kiểm soát lỗi tuyệt đối
Dù các nhà sản xuất trang bị hệ thống kiểm tra lỗi và giới hạn hành vi, không ai dám chắc mọi robot đều an toàn 100%. Điều này tương tự điện thoại thông minh, dù được sản xuất hàng loạt với tiêu chuẩn cao, lỗi phần mềm hoặc phần cứng vẫn xảy ra.
Khi hàng triệu robot hình người được đưa vào đời sống, xác suất xảy ra sự cố nghiêm trọng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Robot hình người vùng vẫy làm đổ giá treo. Video:Cix Liv/X
Thứ ba: nguy cơ bị lợi dụng - cửa sau và kiểm soát từ xa
Nếu điện thoại bị hack, người dùng có thể mất tiền hoặc dữ liệu. Nhưng nếu robot hình người bị chiếm quyền điều khiển, hậu quả có thể là mất mạng.
Mối lo lớn hơn nằm ở việc các quốc gia sản xuất có thể cài đặt "cửa sau" trong phần cứng hoặc AI. Trong trường hợp xung đột, những robot này có thể bị biến thành công cụ gián điệp hoặc thậm chí là vũ khí.
Một kịch bản giả định: Một robot chăm sóc người già đột nhiên hành hạ bệnh nhân do phần mềm bị can thiệp từ xa. Đây không phải là chuyện viễn tưởng nếu công nghệ bị lợi dụng.
Thứ tư, khó xác định trách nhiệm pháp lý
Khi robot gây tai nạn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nhà sản xuất, nhà cung cấp phần mềm, đơn vị phân phối hay chính người sử dụng?
Pháp luật hiện tại vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của robot, đặc biệt là những mẫu tích hợp AI tự học. Việc xác định lỗi và bồi thường sẽ trở thành bài toán phức tạp.
Những tình huống giả định đáng lo ngại:
- Robot y tá chẩn đoán sai liều thuốc khiến bệnh nhân tử vong.
- Robot bảo vệ bị hacker tấn công sẽ mở cửa cho kẻ xấu đột nhập.
- Robot nhà bếp treo máy khi đang dùng dao, gây thương tích.
Mối nguy từ việc đại trà hóa robot
Khi robot trở nên phổ biến và giá rẻ như điện thoại, người dùng thông thường sẽ không đủ kiến thức để xử lý sự cố. Đặc biệt, trẻ em và người già, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu robot hoạt động sai lệch.
Ngoài ra, việc cắt giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận có thể dẫn đến tình trạng robot lỗi hàng loạt, tương tự những vụ bê bối từng xảy ra với ô tô hay điện thoại.
Để giảm thiểu rủi ro, tôi nghĩ cần thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về:
- Đạo đức AI (AI Ethics).
- Kiểm định an toàn.
- Bắt buộc cập nhật bảo mật định kỳ.
Phát triển hệ thống giám sát độc lập để tránh nguy cơ bị "cài bom hẹn giờ". Hoàn thiện khung pháp lý xác định trách nhiệm khi robot gây hậu quả nghiêm trọng.
Robot hình người là một bước tiến vĩ đại của nhân loại, nhưng không nên chỉ nhìn vào tiện ích mà bỏ qua hiểm họa tiềm tàng. Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm, một ngày nào đó, chính cỗ máy bạn tin tưởng có thể trở thành mối đe dọa khôn lường.
Câu hỏi đặt ra: Bạn có thực sự thoải mái khi một robot hình người đứng ngay sau lưng mình mỗi ngày?
Comet Small