Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đề nghị được đưa ra dựa trên nhận định sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố có thể xuất hiện tình trạng không thống nhất trong quy định dẫn đến việc suy bì thiệt hơn giữa các xã, phường, giữa người dân sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Cánh đồng mẫu lớn ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ảnh: Hồng Phong
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các vấn đề có thể xuất hiện chênh lệch gồm: thời gian giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, suất tái định cư tối thiểu, đơn giá bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất.
Cùng với đó là các điều kiện như hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát nội dung trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng thống nhất việc áp dụng chính sách về đất đai, hoặc quy định chính sách đặc thù tại địa phương sau sáp nhập.
Địa phương cần có quy định chuyển tiếp để các chính sách đất đai trên địa bàn sau sáp nhập đi vào hoạt động, đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Theo nghị quyết 60 của trung ương, 63 tỉnh thành cả nước sẽ được sắp xếp còn 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Chính quyền địa phương sẽ chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện.
Hiện mỗi tỉnh thành đều có quy định riêng về mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu, hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất...
Gia Chính